expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

KHUNG NĂNG LỰC DẠY HỌC

BƯỚC ĐẦU XÁC ĐỊNH KHUNG NĂNG LỰC DẠY HỌC
CHO GIÁO VIÊN MÔN CÔNG NGHỆ PHỔ THÔNG
THEO QUAN ĐIỂM TÍCH HỢP VÀ PHÂN HÓA

Nguyễn Cẩm Thanh
Khoa Sư phạm kỹ thuật, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
 Email: thanhnc@hnue.edu.vn

TÓM TẮT
            Dạy học theo quan điểm tích hợp và phân hóa (TH&PH) là một trong những định hướng chính của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nước ta sau năm 2015. Chính vì vậy việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực giáo viên nói chung và đánh giá năng lực giáo viên Công nghệ (CN) nói riêng, là thực sự cần thiết. Nó mang đồng thời hai ý nghĩa quan trọng: một là: định hướng cho việc xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo giáo viên môn CN; hai là: đánh giá năng lực dạy học giáo viên CN, là căn cứ để có thể lập kế hoạch và xây dựng các nội dung bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên CN. Nội dung bài viết làm rõ bản chất của tư tưởng dạy học TH&PH, năng lực và năng lực dạy học môn CN theo quan điểm TH&PH, đánh giá thực trạng về năng lực dạy học của giáo viên CN theo quan điểm TH&PH. Trên có sở đó đề xuất khung năng lực dạy học theo quan điểm TH&PH đối với giáo viên môn CN phổ thông.
TỪ KHÓA: năng lực giáo viên Công nghệ, dạy học tích hợp, dạy học phân hóa
1. Mở đầu
            Đối với giáo viên dạy môn Công nghệ (CN) phổ thông, năng lực dạy học là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015.
            Những nghiên cứu về lý luận và thực tiễn của dạy học tiếp cận năng lực, đã được nhiều tác giả nghiên cứu và nhìn nhận ở các bình diện khác nhau, nhưng tựu chung cho rằng: năng lực là khả năng sử dụng kiến thức, vận dụng kĩ năng với thái độ đúng đắn để giải quyết hiệu quả vấn đề trong thực tiễn luôn biến đổi [1], [2], [6], [7]. Trong mỗi chủ đề của mỗi bài dạy/học, nội dung dạy học không phải là khái niệm hay kỹ năng riêng lẻ, mà là một năng lực hoặc thành tố năng lực cụ thể. Vì thế, để tiến hành dạy học, cần phải dựa trên các lý thuyết, mô hình học tập phù hợp mới có thể gắn kết, liên hệ, kết nối với nhau, giúp người học hoàn thiện được những năng lực thành phần. Với quan điểm dạy học tích hợp và phân hóa (TH&PH) đã được các nhà nghiên cứu cho là thỏa mãn và đảm bảo được các yêu cầu của dạy học theo tiếp cận năng lực [1], [2].
            Các kết quả nghiên cứu về dạy học tích hợp, nhìn chung đã được các nhà nghiên cứu cho rằng việc tích hợp có ở tất cả các khâu của quá trình dạy học. Tư tưởng tích hợp, loại hình tích hợp, mức độ tích hợp,... đã được nghiên cứu tương đối xác đáng nhằm phát triển năng lực cho người học [1], [2], [6], [7]. Dạy học phân hóa được các nhà nghiên cứu cho là (dạy học phát triển) năng lực mang tính cá nhân hóa. Vì thế, dạy học phân hóa cần phải tổ chức việc dạy và học một cách linh hoạt, mềm dẻo nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân mỗi học sinh, dựa trên khả năng của bản thân từng học sinh [2], [4], [8].
            Kết quả nghiên cứu của tác giả làm rõ bản chất tư tưởng dạy học TH&PH, năng lực và năng lực dạy học theo quan điểm TH&PH, đánh giá thực trạng về năng lực dạy học của giáo viên CN theo quan điểm TH&PH. Trên có sở đó đề xuất khung năng lực dạy học theo quan điểm TH&PH đối với giáo viên môn CN. Đây cũng chính là bộ công cụ để đánh giá giáo viên CN mang đồng thời hai ý nghĩa quan trọng: một là: định hướng cho việc xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo giáo viên môn CN; hai là: đánh giá năng lực dạy học giáo viên CN, là căn cứ để có thể lập kế hoạch và xây dựng các nội dung bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên CN.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Dạy học tích hợp và dạy học phân hóa
a) Dạy học tích hợp
            Có nhiều cách phát biểu khác nhau về dạy học tích hợp, về bản chất có thể hiểu dạy học tích hợp là dạy học nhằm hình thành ở học sinh trong quá trình học tập những năng lực, đáp ứng yêu cầu, tình huống của thực tiễn đời sống, xã hội. Những hoạt động tích hợp để học sinh thực hiện được việc phối hợp các kiến thức, kỹ năng và thao tác một cách có hệ thống với mục đích phát triển năng lực học sinh. Dạy học tích hợp được thể hiện ở tất cả các yếu tố về nội dung chương trình môn học, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, hình thức tổ chức dạy học.
            Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục đã phân chia các mức độ tích hợp theo thang sau: truyền thống → kết hợp → nội môn → đa môn → liên môn → xuyên môn. Một số nhà nghiên cứu khác phân chia các cách tích hợp, các mức độ tích hợp theo chiều dọc, theo chiều ngang, sự kết hợp tích hợp giữa chiều dọc với chiều ngang [6], [7]. Tư tưởng tích hợp cũng có thể phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi nhà nghiên cứu như: góc nhìn không gian, góc nhìn thời gian, góc nhìn quá trình,...
Theo quan điểm của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì: Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng,... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng; phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề [2]. Như vậy, có thể hiểu tính tích hợp thể hiện qua sự huy động, kết nối, liên hệ các yếu tố có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực để giải quyết có hiệu quả một vấn đề và thường đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.
            Đặc thù nội dung kiến thức môn Công nghệ phổ thông là tính ứng dụng, hành dụng, đòi hỏi những kỹ năng thực hành mang tính nghề nghiệp. Theo quan điểm giáo dục nghề nghiệp: dạy học tích hợp là quá trình dạy học mà các hoạt động dạy kiến thức, kỹ năng, thái độ được tích hợp với nhau trong cùng một nội dung nhằm mục đích hình thành và phát triển năng lực thực hiện hoạt động nghề nghiệp cho người học [1] . Như vậy, có thể hiểu là hình thức dạy học tích hợp lý thuyết với thực hành, qua đó người học hình thành năng lực hoạt động chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Đây là khâu cơ bản để thực hiện nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Điều này rất phù hợp với đặc thù của môn CN phổ thông.
            Dạy học tích hợp trong môn CN phổ thông nhằm hướng đến mục tiêu sau:
- Học trên ghế nhà trường gắn với lao động thực tiễn ngoài xã hội (học đi đôi với hành, chú trọng năng lực hoạt động).
            - Dạy học hướng đến hình thành các năng lực nghề nghiệp, đặc biệt phát hiện khả năng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.
            - Người học tích cực, chủ động, độc lập, được khuyến khích cho sự sáng tạo, phát triển toàn diện.
b) Dạy học phân hóa
            Về mặt thuật ngữ "phân hóa" là một hoạt động mà ở đó cần phân loại, chia tách các đối tượng, để tổ chức, xác định nội dung, phương pháp và hình thức sao cho phù hợp với đối tượng ấy nhằm đạt hiệu quả tốt nhất có thể.
Theo quan điểm của Bộ Giáo dục & Đào tạo khái niệm dạy học phân hoá được hiểu như sau: Dạy học phân hóa là định hướng dạy học phù hợp các đối tượng học sinh khác nhau, nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh dựa vào đặc điểm tâm - sinh lý, khả năng, nhu cầu và hứng thú khác nhau của học sinh [2]. Vậy có thể hiểu tính phân hoá thể hiện ở sự phân biệt dựa theo các đối tượng khác nhau, áp dụng cách thức tổ chức, vận dụng nội dung, phương pháp và hình thức,... hoạt động khác nhau, sao cho phù hợp nhất với từng đối tượng, nhằm đạt hiệu quả cao.
            Các yếu tố về dạy học phân hóa bao gồm: nhịp độ nhận thức, trình độ nhận thức, hứng thú nhận thức, nhu cầu nhận thức của học sinh, từ đó cần có sự phân hóa về nội dung, phân hóa quy trình, phân hóa sản phẩm, phân hóa trong công cụ đánh giá [4], [8]. Đối với môn Công nghệ còn có đặc thù về thực hành rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp do đó cần phân hóa về kỹ năng cho học sinh.
            Dạy học phân hóa là cần phải tổ chức việc dạy và học một cách linh hoạt, mềm dẻo nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân mỗi học sinh, dựa trên khả năng của bản thân từng học sinh để giúp các em đạt được kết quả học tập tốt nhất.
            Tích hợp và phân hóa là hai yêu cầu luôn cần được quán triệt đồng thời, thống nhất, được chú ý cả mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học.
2.2. Năng lực, năng lực dạy học theo quan điểm tích hợp và phân hóa
Đã có nhiều định nghĩa khác nhau về năng lực, nhưng đều khẳng định rằng: Nói đến năng lực là phải nói đến khả năng thực hiện, là phải biết làm, chứ không chỉ biết và hiểu. Năng lực mang tính cá nhân hóa, năng lực có thể được hình thành và phát triển thông qua tự trải nghiệm thực tiễn, đào tạo, bồi dưỡng.
Theo quan điểm của Bộ Giáo dục & Đào tạo, khái niệm năng lực được hiểu là: Năng lực là khả năng thực hiện thành công hoạt động trong một bối cảnh nhất định nhờ sự huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... Năng lực của cá nhân được đánh giá qua phương thức và kết quả hoạt động của cá nhân đó khi giải quyết các vấn đề của cuộc sống [2].
            Năng lực có nhiểu mức độ, tùy theo việc tiếp cận. Nếu dựa vào tốc độ thực hiện hoạt động cửa con người và chất lượng sản phẩm hoạt động có thể chia ra làm ba mức: năng lực, tài năng, thiên tài, nhưng quan niệm và cách diễn đạt cũng có khác nhau. Năng lực cũng được phân loại thành nhiều loại khác nhau tùy theo cách tiếp cận của mỗi người. Cách phân loại phổ biến nhất hiện nay thì năng lực được chia thành hai loại: năng lực chung và năng lực riêng.
            Năng lực dạy học nói chung đòi hỏi giáo viên cần phải thực hiện được những việc như phân tích chương trình và học liệu, thiết kế kế hoạch dạy học, sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại, đặc biệt là biết khai thác các tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông trong tổ chức các hoạt động dạy học, tổ chức đánh giá hiệu quả dạy học, xây dựng, quản lí và khai thác hồ sơ dạy học, thể hiện tư cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, tác phong công nghiệp và thái độ thân thiện với học sinh,... [3, tr 4].
            Như vậy, năng lực dạy học theo quan điểm TH&PH trước hết phải đảm bảo được các tiêu chí, tiêu chuẩn của năng lực dạy học nói chung và bên cạnh đó cần đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn năng lực đặc thù của dạy học theo quan điểm TH&PH với môn CN, đó là: 
            -  Năng lực dạy học tích hợp được thể hiện:
            + Có năng lực chuyên môn sâu, có kiến thức liên ngành rộng, kỹ năng thực hành tốt và vốn hiểu biết xã hội
            + Có hiểu biết thấu đáo về dạy học tích hợp
            + Có năng lực khai thác, sử dụng thông tin một cách hiệu quả
            + Có năng lực giải quyết vấn đề
            + Có năng lực về gắn lý thuyết với thực hành
            - Năng lực trong dạy học phân hóa được thể hiện:
            + Năng lực đánh giá, phân loại học sinh
            + Năng lực lựa chọn và thiết kế mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức dạy học phù hợp với từng loại bài dạy lý thuyết hoặc bài dạy thực hành, với nhóm học sinh
            + Năng lực tổ chức thực hiện dạy học phân hóa trên lớp
            + Năng lực đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phân hóa
            + Năng lực điều chỉnh và hoàn thiện hoạt động dạy học phân hóa
            Với môn CN tính tích hợp vốn đã được thể hiện trong nội dung về các kiến thức, khái niệm, quy trình, gia công, chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng,... từ truyền thống cơ bản đến hiện đại rất phong phú. Đặc thù môn Công nghệ gắn với sản xuất và các sản phẩm kỹ thuật có sự ảnh hưởng, tác động đến môi trường sống, sự phát triển kỹ thuật, công nghệ mang tính liên ngành. Biểu hiện phân hóa với học sinh trong nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn của môn học mang tính kỹ thuật, công nghệ được thể hiện rất rõ ở các học sinh nam thường là tốt hơn so với các học sinh nữ ở hứng thú tìm hiểu thực tiễn, tư duy kỹ thuật, kỹ năng thực hành.
2.3. Thực trạng về năng lực dạy học của giáo viên môn Công nghệ phổ thông theo quan điểm tích hợp và phân hóa
            - Mục đích khảo sát thực trạng, để đánh giá hiện trạng, phân tích nguyên nhân làm cơ sở thực tiễn cho nghiên cứu, đề xuất khung năng lực dạy học theo quan điểm TH&PH môn CN phổ thông.

            - Nội dung và phạm vi khảo sát đánh giá, nghiên cứu khảo sát các yếu tố thuộc về năng lực dạy học giáo viên CN phổ thông. Nội dung, đối tượng khảo sát năng lực giáo viên về thiết kế, tổ chức thực hiện dạy học và kiểm tra đánh giá, điều kiện cơ sở vật chất. Thực hiện khảo sát ở 15 trường THCS và 17  trường THPT trải đều các vùng miền trong cả nước, trưng cầu ý kiến của 45 giáo viên đang dạy môn CN.

            - Phương pháp và công cụ khảo sát đánh giá, sử dụng phối hợp các phương pháp: quan sát thực tiễn, trao đổi, phỏng vấn, khảo sát điều tra, tổng kết kinh nghiệm. Dùng các công cụ như giấy bút để ghi chép, phiếu quan sát, phiếu hỏi, máy ảnh, máy quay, để thu thập thông tin.

            - Tóm lược kết quả khảo sát đánh giá thực trạng như sau (bảng 1):
Bảng 1: Bảng khảo sát năng lực dạy học theo quan điểm TH&PH với giáo viên CN
Nội dung khảo sát
Mức độ (%)
Tốt
Khá
TB
Yếu
1. Năng lực chuyên môn, kiến thức liên ngành, kỹ năng thực hành và vốn hiểu biết xã hội
48%
34%
18%
0
2. Hiểu biết về dạy học tích hợp và phân hóa
34%
24%
42%
0
3. Năng lực khai thác, sử dụng thông tin
24%
52%
24%
0
4. Năng lực giải quyết vấn đề
48%
34%
18%
0
5. Năng lực đánh giá, phân loại học sinh
67%
18%
15%
0
6. Năng lực lựa chọn và thiết kế mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức dạy học phù hợp từng loại bài dạy lý thuyết hoặc bài dạy thực hành, với nhóm học sinh
24%
52%
24%
0
7. Năng lực xác định, xây dựng môi trường học tập theo quan điểm dạy học TH&PH
18%
34%
48%
0
8. Năng lực tổ chức thực hiện dạy học TH&PH
15%
18%
67%
0
9. Năng lực điều chỉnh và hoàn thiện hoạt động dạy học TH&PH
13%
34%
53%
0
10. Năng lực đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phân hóa
42%
34%
24%
0
            Kết quả (bảng 1) cho thấy năng lực dạy học của giáo viên môn CN hiện nay có biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, cùng với việc quan sát thực tiễn dạy học, trao đổi với giáo viên thấy rằng nguyên nhân cơ bản, chủ yếu đó là:
            + Các yếu tố về năng lực dạy học của giáo viên môn CN được họ chọn ở mức khá, tốt, hầu hết rơi vào những giáo viên được đào tạo đúng với chuyên ngành, số còn lại là những giáo viên bộ môn khác được phân công dạy kiêm nhiệm.
            + Vai trò môn CN ở phổ thông là môn phụ, không thi tốt nghiệp hoặc căn cứ để xét vào các trường nghề nên nảy sinh tư tưởng chung cho cả cán bộ quản lý với giáo viên và học sinh là xem nhẹ, đối phó. Mặc dù một số Tỉnh, Thành có tổ chức các cuộc thi giáo viên giỏi môn CN, thi nghề phổ thông cho học sinh nhưng tình hình cũng chưa được cải thiện nhiều. 
            + Thu nhập chính giáo viên môn CN bằng lương cơ bản nên đời sống còn khó khăn, do vậy họ phải dành thời gian làm thêm những việc khác để tăng thu nhập, dẫn đến ít tâm huyết với nghề và hạn chế đi sự phấn đấu.
            + Cơ sở vật chất còn thiếu về số lượng, kém về chất lượng nên hạn chế đáng kể cho chất lượng dạy học môn CN, nhất là dạy học thực hành. Giáo viên khó phát huy năng lực của bản thân.
            + Việc bồi dưỡng giáo viên hàng năm có được tiến hành nhưng chưa đồng bộ, rộng khắp, cơ chế chưa khuyến khích giáo viên phấn đấu phát triển năng lực.
            Kết quả khảo sát thực trạng trên đây là cơ sở thực tiễn cho nghiên cứu, đề xuất khung năng lực dạy học môn CN phổ thông theo quan điểm TH&PH.

2.4. Các tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá năng lực dạy học đối với giáo viên môn Công nghệ phổ thông theo quan điểm tích hợp và phân hóa
            Tiêu chí (criterion) dùng để kiểm định hay để đánh giá một đối tượng, mà bao gồm các yêu cầu về chất lượng, mức độ, hiệu quả, khả năng, tuân thủ các qui tắc và qui định, kết quả cuối cùng và tính bền vững của các kết quả đó.
            Tiêu chuẩn (standard) là khung định, một thước đo, một yêu cầu được thiết lập, nó là những yêu cầu cụ thể của tiêu chí, mỗi tiêu chuẩn có các chỉ số đánh giá.
            Các căn cứ:
            - Căn cứ then chốt để xây dựng khung năng lực dạy học theo quan điểm TH&PH với giáo viên Công nghệ là "Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông" và "Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể - Dự thảo 8/2015 của Bộ GD & ĐT".
            Đánh giá năng lực giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên [5]. Với học sinh là sản phẩm của giáo dục, yêu cầu ở các em có những phẩn chất, năng lực được biểu hiện ra bên ngoài [2], vì thế đồng nghĩa với việc yêu cầu ở giáo viên môn CN cần có năng lực tương ứng để truyền cảm hứng, hình thành và phát triển được cho họ những năng lực phẩm chất được biểu hiện đó.
            - Căn cứ bản chất quá trình dạy học môn Công nghệ phổ thông theo quan điểm TH&PH
            Dạy học môn Công nghệ cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học thông qua các hoạt động học tập; tăng cường thực hành, trải nghiệm thực tiễn công nghệ tại địa phương. Chú trọng đánh giá năng lực người học dựa trên quá trình, kết quả hoạt động; tập trung vào đánh giá theo quá trình giúp học sinh tiến bộ trong học tập [2], [5].
            - Căn cứ nội dung kiến thức và tính đặc thù môn Công nghệ phổ thông
            Môn Công nghệ giúp cho học sinh sống và làm việc trong thế giới công nghệ, có ưu thế góp phần hình thành và phát triển phẩm chất sống trách nhiệm và kỷ luật, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực định hướng nghề nghiệp thông qua các nội dung về bản chất, vai trò và ảnh hưởng của công nghệ với xã hội; thiết kế, triển khai, đánh giá, sử dụng và thải loại công nghệ thuộc một số lĩnh vực công nghệ phổ biến [2].
            Khung năng lực dạy học theo quan điểm TH&PH với giáo viên Công nghệ như (bảng 2).
            Giải thích: mỗi tiêu chuẩn có 5 mức độ đánh giá tương ứng với điểm cho từng mức gồm:             tốt = 4; khá = 3; trung bình (TB) = 2;  yếu = 1; kém (K)  = 0
Bảng 2: Khung năng lực dạy học theo quan điểm TH&PH với giáo viên Công nghệ
Tiêu chí
(gồm 6 tiêu chí)
Tiêu chuẩn
(gồm 30 tiêu chuẩn)
Mức độ đánh giá
Tốt
Khá
TB
Yếu
K
1. Đạo đức và tác phong (gồm 6 tiêu chuẩn)
1. Yêu nghề, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín
4
3
2
1
0
2. Sống đúng mực, thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học sinh
4
3
2
1
0
3. Chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế dạy học
4
3
2
1
0
4. Công bằng, khách quan trong đánh giá học sinh
4
3
2
1
0
5. Tác phong mô phạm, khoa học, mẫu mực
4
3
2
1
0
6. Trang phục giản dị, phù hợp, trong dạy học thực hành cần gọn gàng, nên có bảo hộ
4
3
2
1
0
2. Năng lực chuyên môn (gồm 4 tiêu chuẩn)
1. Kiên thức
- Kiến thức chuyên môn vững;
- Kiến thức liên ngành rộng;
- Kiến thức và kỹ năng về ICT
4
3
2
1
0
2. Hiểu biết về thực tiễn sản xuất và những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới
- Đánh giá được ảnh hưởng của công nghệ với xã hội; thiết kế, triển khai
- Đánh giá, sử dụng và thải loại công nghệ thuộc một số lĩnh vực công nghệ phổ biến
4
3
2
1
0
3. Kỹ năng thực hành cơ bản
4
3
2
1
0
4. Hiểu biết an toàn và vệ sinh lao động
4
3
2
1
0

3. . Nămg lực chuẩn bị và thiết kế dạy học (gồm 5 tiêu chuẩn)
1. Lập kế hoạch dạy học cho tiết/bài/chương/môn học
4
3
2
1
0
2. Đánh giá, phân loại học sinh
4
3
2
1
0
3. Xác định và xây dựng mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức dạy học phù hợp từng loại bài dạy lý thuyết hoặc bài dạy thực hành, với nhóm học sinh theo quan điểm dạy học tích hợp và phân hóa
4
3
2
1
0
4. Xác định, xây dựng môi trường học tập theo quan điểm dạy học tích hợp và phân hóa
4
3
2
1
0
5. Quản lí hồ sơ dạy học, thực hiện theo các quy định về văn bản, hồ sơ, sổ sách, quy cách biểu mẫu giáo án, bảo quản và lưu trữ
4
3
2
1
0

4. Năng lực tổ chức, điều khiển dạy học (gồm 8 tiêu chuẩn)
1. Tổ chức dạy học theo quan điểm tích hợp và phân hóa phù hợp với từng đối tượng học sinh, thực hiện đầy đủ kế hoạch, đúng chương trình, nội dung
4
3
2
1
0
2. Thực hiện các giờ dạy lý thuyết/thực hành/tích hợp theo đúng giáo án, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ theo quy định
4
3
2
1
0
3. Biết vận dụng, phối hợp các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, phát triển năng lực tự học của người học
4
3
2
1
0
4. Khai thác tốt tiềm năng môi trường dạy học đặc biệt là đa phương tiện trong dạy học
4
3
2
1
0
5. Khai thác, sử dụng thông tin hiệu quả để mở rộng kiến thức, liên hệ thực tiễn
4
3
2
1
0
6. Giải quyết vấn đề nảy sinh trong dạy học
4
3
2
1
0
7. Điều chỉnh và hoàn thiện hoạt động dạy học theo hướng tăng cường cho học sinh thực hành, trải nghiệm thực tiễn công nghệ tại địa phương
4
3
2
1
0
8. Phân bổ thời gian cho từng nội dung, công việc hướng dẫn hoạt động học tập hợp lý. Đảm bảo đúng thời gian quy định cho toàn bài.
4
3
2
1
0
5. Năng lực kiểm tra đánh giá học sinh (gồm 3 tiêu chuẩn)
1. Lựa chọn và thiết kế được các công cụ kiểm tra, đánh giá đảm bảo yêu cầu: học sinh được tham gia vào tự đánh giá; đánh giá hướng vào năng lực thực hiện của học sinh; đánh giá cả quá trình và đánh giá kết quả học tập
4
3
2
1
0
2. Tổ chức hoạt động kiểm tra đánh giá mang tính tương tác tích cực, toàn diện, khách quan
4
3
2
1
0
3. Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá liên tục trong suốt quá trình học tập (trước - trong - sau giờ học)
4
3
2
1
0
6. Năng lực phát triển nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm (gồm 4 tiêu chuẩn)
1. Thường xuyên tự học tập và tham gia các khoá đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ cập nhật kiến thức, kỹ năng, công nghệ, phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu của dạy học môn Công nghệ
4
3
2
1
0
2. Có kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghiên cứu khoa học và công nghệ để có những sáng kiến kinh nghiệm, tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các cấp
4
3
2
1
0
3. Khả năng làm việc hợp tác và cộng tác
4
3
2
1
0
4. Kỹ năng mềm:
- Diễn đạt rõ ràng, lôgic
- Trình bày bảng (viết, vẽ, bố cục) rõ, đẹp hợp lý
- Biểu cảm lôi cuốn, thu hút sự tập trung của học sinh
4
3
2
1
0
Tổng điểm:
(tối đa 120 điểm)
            Hướng dẫn sử dụng khung năng lực như một bộ công cụ đánh giá năng lực giáo viên CN
            - Để đánh giá được chính xác, khách quan người đánh giá cần được kiểm tra toàn bộ hồ sơ dạy học của người được đánh giá. Để đánh giá đảm bảo độ tin cậy cần dự giờ tối thiểu 1 giờ dạy lý thuyết và 1 giờ dạy thực hành.
            - Khoanh tròn vào mỗi mức độ tương ứng với từng tiêu chuẩn
            - Xếp loại theo tổng điểm như sau:
            + Đạt trên 100 điểm xếp loại tốt, nếu có tiêu chuẩn bị 1 điểm trở xuống sẽ xếp loại khá
            + Đạt từ 81 đến 100 điểm xếp loại khá, nếu có tiêu chuẩn bị 0 điểm sẽ xếp loại trung bình
            + Đạt từ 60 đến 80 điểm xếp loại trung bình
            + Đạt dưới 60 điểm xếp loại yếu
3. Kết luận
            Dạy học theo quan điểm TH&PH là một trong những định hướng chính của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nước ta sau năm 2015. Chính vì vậy việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực giáo viên nói chung và đánh giá năng lực giáo viên CN nói riêng, là thực sự cần thiết trong bối cảnh giáo dục nước ta hiện nay.
            Trong khuôn khổ của một bài báo, tác giả chưa thể truyền tải hết được những kết quả nghiên cứu của mình. Khung năng lực mới chỉ ra các tiêu chí và tiêu chuẩn, bên cạnh đó còn cần phải chỉ ra những minh chứng cụ thể cho từng tiêu chuẩn.
            Tác giả đứng trên góc độ là người tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo giáo viên môn CN phổ thông (khoa Sư phạm kỹ thuật, trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Vì vậy, không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định, rất mong các nhà khoa học liên quan, các cấp lãnh đạo quản lý, các đồng nghiệp, các giáo viên môn CN phổ thông đóng góp ý kiến để hoàn thiện "Khung năng lực dạy học cho giáo viên môn Công nghệ phổ thông theo quan điểm tích hợp và phân hóa" đạt yêu cầu, khả thi góp phần hiện thực hóa công cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nước ta sau năm 2015.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Mạnh Cường, (2010), Dạy học tích hợp – Cơ sở lý thuyết và thực tiễn, Tạp chí Khoa Học Giáo Dục Kỹ Thuật, số 15, Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp HCM. tr. 3-8.
[2] Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, (dự thảo 8/2015), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.
[3] Chương trình đào tạo và rèn luyện năng lực sư phạm cho sinh viên, (2014), Trường Đại học sư phạm Hà Nội.
[4] Lê Hoàng Hà (2010), Nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên theo quan điểm dạy học phân hóa , Tạp chí Giáo dục (236), Hà Nội, tr.14- 15, 24.

[5], Thông tư số 30, (2009), QUY ĐỊNH Chuẩn nghề nghiệp giáo viên THCS, giáo viên THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.

[6] Rudolf Tippelt (2003), Competency – based training, Larissa Weigel, Heidelberg, Germany.
[7] Susan M. Drake (2007), Creating Standards - Based Intergrated curriculum, Corwin Press, Inc., Pp. 25-42
[8] Tomlinson C.A. (2000), Differentiation of Instruction in the Elementary Grades, ERIC Digest, University of Illinois, Chicago, US.


ABSTRACT
Preliminary determination of the teaching competence criteria
for secondary-school technology teachers from integration and differentiation perspectives
            Integrated and differentiated instruction are one of the key orientations of Vietnam’s renewal in secondary education after 2015. It is, therefore, crucial to design a tool for evaluating teacher competence. This has two-fold objectives: (i) orienting the design and adjustment of curricula for technology teachers; (ii) assessing technology teacher instruction, on which basis regular refreshment courses will be introduced to these teachers. The article also investigates the integrated and differentiated instruction approach, teaching competence and assessment of current teaching competence from integration and differentiation perspectives, from which a set of criteria for teaching competence is proposed.
Keywords: technology teacher competence, integrated instruction, differentiated instruction

Nguồn: Nguyễn Cẩm Thanh, (2015), Bước đầu xác định khung năng lực dạy học cho giáo viên môn Công nghệ phổ thông  theo quan điểm tích hợp và phân hóa, tạp chí khoa học số 8D ĐHSP Hà Nội, tr. 20-28
-----------------------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét