expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

BẢN CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA KĨ NĂNG XÃ HỘI

1. Vấn đề hiện nay
Kĩ năng xã hội (Social Skills) là hiện tượng được nhắc tới rất nhiều trên các diễn đàn, cả trong và ngoài giáo dục. Do mọi kĩ năng đều có bản chất xã hội và xét đến cùng chúng đều phục vụ cuộc sống con người nên hầu hết những ý kiến về kĩ năng xã hội nói chung không rõ ràng, thiếu triệt để. Kĩ năng xã hội được hiểu lầm thành kĩ năng sống (Living Skills), kĩ năng mềm (Soft Skills), thậm chí thành tình cảm, thái độ, trí tuệ xúc cảm. Đa số ý kiến nghiêng về lĩnh vực giao tiếp, mặc nhiên xem các kĩ năng giao tiếp là kĩ năng xã hội (vậy giao tiếp với động vật, với máy tính… có nằm ở đây không?). 

Vấn đề chưa sáng tỏ là khi xem xét kĩ năng nào đó có phải kĩ năng xã hội không thì phải căn cứ vào cái gì, vào chính tính chất của kĩ năng hay vào lĩnh vực, đối tượng áp dụng? Cụ thể hơn nữa, có mấy kiểu kĩ năng xã hội phổ biến, và chúng là những kiểu nào? Trong mỗi kiểu đó có những kĩ năng xã hội cơ bản nào cần cho con người?
Muốn giải quyết vấn đề trên bằng những nghiên cứu và thử nghiệm sâu sắc thì trước hết phải xác định quan niệm rõ ràng và những luận cứ mang tính khoa học về kĩ năng xã hội và những quan hệ của chúng với những phạm trù kĩ năng khác. Những luận giải trong các tài liệu dự án, các khóa huấn luyện, đào tạo kĩ năng trong hệ thống dịch vụ tư vấn, các từ điển thông dụng và vô vàn các nguồn Internet hiện nay đều thiếu sức thuyết phục vì không có hệ thống, thiếu căn cứ rõ ràng, mô tả thiếu triệt để (lẫn lộn nhiều) và quan trọng nhất: vừa không có quan niệm xác định vừa không có chân dung cụ thể của mỗi kĩ năng. Nếu những thứ như kĩ năng sống, kĩ năng mềm, kĩ năng xã hội và thậm chí các kĩ năng nào đó ở người lại cứ trùng vào nhau thì thật vô ích khi gọi tên chúng và bàn luận về chúng.
2. Bản chất của kĩ năng xã hội
2.1. Khái niệm
Nếu cần phải phân biệt kĩ năng xã hội với những kĩ năng khác, thì những căn cứ đầu tiên sẽ gồm:
- Đối tượng và lĩnh vực áp dụng những kĩ năng ấy phải là cái xã hội và môi trường xã hội như sự kiện, quan hệ, hoàn cảnh, đời sống xã hội… Chẳng hạn kĩ năng quan sát khí tượng thủy văn, kĩ năng đọc sách, kĩ năng làm chế bản điện tử, kĩ năng dinh dưỡng cho cơ thể v.v… không phải là kĩ năng xã hội vì đối tượng áp dụng không phải là cái xã hội. Thậm chí cả những kĩ năng sống như giữ gìn tính mạng của mình qua ăn uống, chữa bệnh, luyện tập sức khỏe v.v… cũng không phải là kĩ năng xã hội.
- Chúng không thuộc về phạm trù kĩ năng nghề nghiệp, kĩ năng nghiệp vụ hay chuyên biệt của công việc nào đó đã được định danh rõ ràng. Chẳng hạn kĩ năng lái xe, kĩ năng giao tiếp sư phạm, kĩ năng hướng dẫn du lịch, kĩ năng giao dịch thương mại, kĩ năng marketing, kĩ năng quản lí dự án v.v… cho dù mang đậm tính xã hội song không phải là kĩ năng xã hội vì chúng là kĩ năng chuyên môn của nghề hay công việc rồi.
- Chúng tương ứng trực tiếp với cái xã hội, không có yếu tố nào trung gian như sách báo, tài liệu, bài giảng, hồ sơ v.v… Chẳng hạn kĩ năng ứng xử theo mẫu ở sách báo, kĩ năng giao tiếp qua mạng hay tranh ảnh, kĩ năng làm bài thi theo chủ đề nào đó v.v… thì không phải kĩ năng xã hội vì chúng không trực tiếp tương tác với cái xã hội hiện thực.
Có thể hiểu rằng kĩ năng xã hội là khái niệm chỉ những loại kĩ năng hướng tới và được áp dụng trực tiếp (không gián tiếp qua cái gì) vào những quan hệ, hoàn cảnh, quá trình và đời sống xã hội công cộng để giúp cá nhân nhận thức, ứng xử, giao tiếp và thích ứng xã hội thành công, hiệu quả ở những mức độ nhất định. Cũng như mọi kĩ năng khác, kĩ năng xã hội là một dạng hành động tự giác dựa vào ý thức, thể chất và các điều kiện xã hội khác mà cá nhân có [6]. Điều quan trọng ở kĩ năng xã hội không phải là tính xã hội của nội dung kĩ năng cao hay thấp, mà là khuynh hướng xã hội trực tiếp của chúng và hiệu quả xã hội mà chúng mang lại. Không phải kĩ năng giao tiếp nào, kĩ năng giải quyết vấn đề nào cũng là kĩ năng xã hội.
2.2. Những đặc điểm của kĩ năng xã hội
- Mỗi kĩ năng xã hội hay mỗi nhóm kĩ năng xã hội luôn luôn dựa vào các yếu tố cơ bản như lí trí cá nhân (mà hạt nhân là ý thức tự giác về sự vật và hành động của mình), hành động có kĩ thuật và trật tự (có tổ chức và logic nhất định), sức mạnh của vận động thể chất (ít ra là vận động của hệ thần kinh), và số lượng hữu hạn và tối ưu các thao tác thành phần (cơ sở để diễn ra hành động thực tế). Đặc điểm này cho thấy khía cạnh thực thể của kĩ năng – nó gồm những gì và dựa vào những gì để tồn tại.
- Kĩ năng xã hội luôn có đối tượng tác động hoặc tương tác là cái xã hội hiện thực, trực tiếp. Nội dung của tương tác này thường có 3 dạng: nhận thức (nhận diện, hiểu, thực hiện tư duy xã hội, đánh giá…), ứng xử và giao tiếp xã hội (là phần suy nghĩ và hành động tương ứng với những quan hệ xã hội), thích ứng xã hội để chính mình tồn tại hiệu quả với tư cách là thành viên xã hội và là cá nhân có ích cho xã hội (thích nghi với các điều kiện, hoàn cảnh, sống hài hòa với cộng đồng, biết thay đổi hay cải tạo môi trường khi cần thiết dù đó chỉ có tính cục bộ…).
- Về bản chất, kĩ năng xã hội không đồng nhất với kĩ năng sống và kĩ năng mềm. Kĩ năng xã hội hướng đời sống cá nhân ngày càng tiến tới sự hài hòa, thích hợp với xã hội, theo nguyên tắc Social Belonging (sở thuộc xã hội). Kĩ năng sống hướng cá nhân tới cuộc sống cá nhân khôn ngoan, hiệu quả trong vòng đời của mình cho dù môi trường xã hội thế nào. Kĩ năng mềm là khái niệm chỉ những hình thái cá nhân của mọi kĩ năng khi thực hiện chúng với sự can thiệp tinh tế của trí tuệ, tình cảm, văn hóa, kinh nghiệm, nhu cầu … của chủ thể có kĩ năng. (mọi kĩ năng đều là mềm khi thể hiện ở cá nhân mặc dù chúng là cứng khi ở trên giấy, trong thiết kế và quan niệm vì dưới hình thức này chúng đơn thuần là sự mô tả kĩ thuật). Cho nên chúng không thay thế nhau được mà tất cả đều cần thiết cho cá nhân để đạt tới trình độ cao trong cuộc sống của mình.
3. Những kĩ năng xã hội chủ yếu
3.1. Những kĩ năng nhận thức xã hội
Đây là những kĩ năng nhận thức song đối tượng của nhận thức là các sự kiện, quan hệ, hiện tượng, quá trình, hoàn cảnh và qui luật xã hội (phân biệt với các sự vật tự nhiên như thực vật, động vật, thời tiết, sông biển…). Do đó không phải mọi kĩ năng nhận thức đều là kĩ năng xã hội, mà chỉ những kĩ năng nhận thức nào áp dụng cho đối tượng nhận thức là cái xã hội thôi mới là kĩ năng xã hội. Đương nhiên cái xã hội này phải là cái có thật, tức là tồn tại xã hội, chứ không phải những vấn đề xã hội được viết trong sách báo hay học liệu của các môn học. Kĩ năng học tập hay nhận thức các môn xã hội (văn, giáo dục công dân, tiếng Việt, địa lí, lịch sử, lí luận chính trị…) trong nhà trường thì chưa phải là kĩ năng xã hội.
3.1.1. Kĩ năng quan sát các hiện tượng xã hội
Những khía cạnh cơ bản của kĩ năng này là nhận biết, nhận ra, phân biệt và hiểu các hiện tượng xã hội khi trực tiếp chứng kiến hoặc tìm hiểu nếu chúng xảy ra. Cấu trúc thao tác và trình tự của nó tương tự như mọi kĩ năng quan sát khác, bao gồm định hướng hay lập kế hoạch quan sát, thu thập các sự kiện, bằng chứng, tập hợp, lưu giữ và xử lí chúng theo ý định của mình (giả thiết), đánh giá kết quả và nhận thức rõ vấn đề (hay ra quyết định, nhận xét, kết luận phù hợp) để tiến tới giải quyết vấn đề hoặc tiếp tục quan sát.
Nền tảng tâm lí bên trong của kĩ năng quan sát xã hội chính là tri giác xã hội. Dù vậy tri giác chưa phải là quan sát và càng chưa phải là kĩ năng xã hội. Khi hành động quan sát xã hội dẫn đến sự nhận thức ở mức độ nhất định về bản chất và đặc điểm của các hiện tượng xã hội thì hành động đó được gọi là kĩ năng xã hội. Trong kĩ năng quan sát xã hội thì yếu tố trải nghiệm và thang giá trị cá nhân giữ vai trò quan trọng.
3.1.2. Kĩ năng áp dụng tri thức nhờ quan sát vào đời sống xã hội
Quan sát và kinh nghiệm có được nhờ quan sát thường giúp con người sống và hành động thành công hơn, bớt sai lầm hơn so với trước. Đó là do người đó biết áp dụng kinh nghiệm vào hoàn cảnh xã hội thường xuyên thay đổi và có những điều kiện mới. Nếu không có kĩ năng này thì người ta liên tục sai lầm, kết quả trải nghiệm chỉ là tốn thời gian, tốn tâm sức mà vô ích xét về giá trị. Kĩ năng áp dụng tri thức là một dạng của kĩ năng học tập dựa vào trải nghiệm - quan sát xã hội và tìm ra bài học cho mình nhờ tích lũy tri thức về các sự kiện, quá trình, tình huống và quan hệ xã hội thực tế để áp dụng chúng vào đời sống hiệu quả hơn.
Kĩ năng áp dụng tri thức xã hội chính là biết chọn ra bài học cá nhân, sử dụng tri thức (tư tưởng, sự kiện, bằng chứng), kinh nghiệm (văn hóa, đạo đức, tâm lí, sinh hoạt v.v…) của mình và các chuẩn mực xã hội để tiếp tục nhận thức xã hội tốt hơn, cải thiện hành vi ứng xử, giao tiếp và hành động xã hội của mình cho hiệu quả hơn, bồi dưỡng cho mình tình cảm xã hội phong phú và đúng đắn hơn, và cuối cùng để biết cách thay đổi, cải tạo những yếu tố hay điều kiện nhất định giúp mình thích ứng cao hơn với đời sống xã hội.
3.1.3. Kĩ năng tư duy logic về các hiện tượng xã hội (phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa)
Đó là kĩ năng tư duy biện chứng và trừu tượng ở cấp độ ý thức trước tất cả những vấn đề xã hội nảy sinh trước mắt mà ta phải đối mặt. Nói chính xác hơn, chính là suy ngẫm về xã hội (Reflection) – sự phản ứng tự giác, tích cực và chủ động, sâu sắc trước các tác động xã hội. Đây là kĩ năng nền tảng có vai trò trung tâm trong toàn bộ kĩ năng xã hội của con người.
Tư duy xã hội là điều kiện chung giúp nhận diện vấn đề, giải quyết vấn đề, mặt khác nhờ tư duy mới thấy được vấn đề và trong con người mới nảy sinh vấn đề. Không có tư duy thì con người trước cuộc sống ví như nước đổ lá khoai. Về mặt thao tác, do tư duy hợp thành bởi các thành phần như tái tạo (hay phóng tác, mô phỏng), tìm tòi (quan sát, điều tra) và nghiên cứu (khám phá, phát hiện) nên có thể cho rằng quá trình tư duy xã hội có những yếu tố sau: 1/ Tìm tòi qui nạp; 2/ Tìm tòi diễn dịch; 3/ Tìm tòi khái quát hóa; 4/ Tái tạo qui nạp; 5/ Tái tạo diễn dịch; 6/ Tái tạo khái quát hóa; 7/ Nghiên cứu qui nạp; 8/ Nghiên cứu diễn dịch; 9/ Nghiên cứu khái quát hóa.
3.1.4. Kĩ năng đánh giá các hiện tượng xã hội
Đánh giá được hiểu là hành động đưa ra nhận định hay phán xét về giá trị của sự vật hay người dựa trên việc sử dụng những sự kiện, bằng chứng khách quan và lập luận chủ quan của mình về đối tượng được đánh giá. Nếu sự kiện, bằng chứng thiếu thuyết phục hoặc lập luận (tư tưởng, lí luận, quan niệm…) sai lầm thì đánh giá cũng sẽ sai lầm. Nếu một trong hai điều kiện đó không đúng thì đánh giá cũng không đảm bảo tin cậy. Đặc biệt khi đánh giá các hiện tượng xã hội thì những điều kiện này càng quan trọng.
Sự kiện, bằng chứng được thu thập và tập hợp nhờ quan sát, trải nghiệm, tư duy và thậm chí phải qua kiểm tra (testing), điều tra, nghiên cứu, thực nghiệm. Chính vì vậy thành phần đầu tiên trong kĩ năng đánh giá xã hội chính là những yếu tố này, giúp con người thu thập và tổ chức được các sự kiện (Facts) và bằng chứng (Evidences). Cả quá trình đó thường được gọi là kiểm kê hay lượng giá (Assesstment), dẫn đến phần dữ liệu để đánh giá. Một trong những kĩ thuật thu thập dữ liệu quan trọng là quan sát và phân tích dư luận xã hội, các hình thức phổ biến của tâm lí xã hội như tập quán, lễ hội, sinh hoạt văn hóa… của cộng đồng.
Nửa sau của kĩ năng đánh giá xã hội là xác định giá trị của sự vật, hiện tượng (Evaluation), tức là đưa ra phán xét chuyện đó là tích cực hay tiêu cực, là hợp lí hay phi lí, là đúng hay sai, là tiến bộ hay lạc hậu v.v… Khi đánh giá cần có sự dung hợp giữa các chuẩn mực xã hội và thang giá trị cá nhân của người đánh giá, mặc dù điều đó không có nghĩa là xuê xoa ba phải. Ngay cả trên cùng một bằng chứng và dữ liệu, kết quả đánh giá ở mỗi người mỗi khác bởi vì nó còn phụ thuộc rất nhiều vào thang đánh giá chủ quan của từng người (quan niệm, giá trị, kinh nghiệm, lợi ích v.v…).
3.1.5. Kĩ năng giải quyết vấn đề trong nhận thức xã hội
Đó là kĩ năng giải quyết vấn đề nhận thức tương tự như trong toán học, trong học tập, nghiên cứu và mọi kĩ năng giải quyết vấn đề khác. Điều cần nhấn mạnh ở đây là mọi bước của kĩ năng này trở nên phức tạp hơn tư duy logic rất nhiều, vì đối tượng và bối cảnh là cái xã hội. Khi định hướng và nhận diện vấn đề trong bối cảnh xã hội thì kinh nghiệm nhận thức là chưa đủ mà phải có kinh nghiệm sống nữa. Những phán đoán giả định và các hướng giải quyết vấn đề cũng đa phương án và thành bại là khó lường hơn rất nhiều. Giải pháp cho vấn đề khi nhận thức xã hội không đơn giản là xử lí logic, mà đậm đà tính lịch sử-văn hóa: cũng vấn đề đó thôi người ở nước này giải quyết khác người ở nước kia. Khi đánh giá và điều chỉnh giải pháp, có rất nhiều nhân tố chi phối quyết định của cá nhân, kể cả những nhân tố ngoại biên rất xa xôi.
Kĩ năng giải quyết vấn đề trong nhận thức xã hội đòi hỏi phải huy động những yếu tố chủ quan tối thiểu của con người như quan sát xã hội, tư duy biện chứng về xã hội và con người, đánh giá các hiện tượng xã hội cũng như kinh nghiệm giao tiếp và hành động trong bối cảnh xã hội để đi tới những giải pháp hiệu quả.
3.2. Những kĩ năng ứng xử và giao tiếp xã hội
Đối tượng của loại kĩ năng này là con người và hoàn cảnh xã hội hay tình huống xã hội mà cá nhân có liên quan, phải đương đầu hoặc tham gia. Con người trong giao tiếp có thể là cá nhân hoặc nhóm và cộng đồng (hội, tổ chức, đoàn thể). Hoàn cảnh xã hội thường là những sự cố (nghẽn đường, tai nạn giao thông, vụ xô xát cãi cọ, không khí mua bán trong siêu thị…) và các tác động xã hội (nói chuyện ồn ào, biểu tình, lễ hội, xem thi đấu thể thao…) diễn ra hiện thực ở nơi công cộng. Con người có thể là quen hoặc lạ, đồng nghiệp, thuộc cấp hoặc cấp trên, đồng sự hoặc không cùng hội cùng thuyền. Hoàn cảnh có thể bao gồm những trạng thái quen thuộc hoặc trạng thái mới xuất hiện, hòa hoãn, chuẩn mực hoặc căng thẳng (khẩn cấp). Những kĩ năng thuộc lĩnh vực ứng xử và giao tiếp xã hội căn bản phải thích ứng với mọi khác biệt đó trên nguyên tắc chung là an toàn (không xâm hại nhau), thành công (được việc) và hiệu quả (để lại kết quả tốt và ấn tượng đẹp cho các bên).
3.2.1. Kĩ năng bày tỏ ý kiến, quan điểm với người khác bằng những nghi thức lời nói và cử chỉ phù hợp
Kĩ năng này tiêu biểu cho người biết cách nói năng dễ nghe và có sức thuyết phục cho dù nói đúng hay nói trái ý người đối thoại, không gây ra căng thẳng. Điều này hoàn toàn khác kiểu nói dựa, nói xuôi chiều hoặc nói lấy lòng. Đó là nhờ kĩ năng ngôn ngữ nói hỗ trợ. Tuy nhiên nghi thức lời nói phù hợp chưa đủ, mà kèm theo còn phải có cử chỉ nghiêm túc, thiện chí. Đây có thể gọi là kĩ năng chia sẻ trong nhận thức và đánh giá những sự vật, hiện tượng xã hội.
Yếu tố trọng tâm của hoàn cảnh xã hội như vậy chính là khẳng định mình và thừa nhận người khác hoặc ngược lại: tôn trọng người khác nhưng không đánh mất mình khi phải va chạm về nhận thức trong giao tiếp xã hội. Kĩ năng này cho thấy văn hóa ứng xử hiện đại: tôn trọng sự khác biệt và tự trọng trong giao tiếp xã hội. Nó giúp cá nhân sống hài hòa trong cộng đồng. 
Đây thực sự là kĩ năng rất mềm mại, không thể áp dụng tùy tiện nhưng càng không được máy móc. Những điều kiện phổ biến của hoàn cảnh như thế thường gồm:
- Trong khi bàn luận, trao đổi, nếu chính ta là người chủ chốt, tức là có vị thế cấp trên, người lớn trước trẻ em, đàn anh đàn chị trước các em, thầy cô giáo trước học sinh…, thì hãy thể hiện phù hợp vai trò đó khi sự việc bắt buộc phải thể hiện vai trò đó. Nếu không bắt buộc thì nên thể hiện ý kiến, quan điểm ở vị thế bình đẳng.
- Khi ở vị thế hoàn toàn bình đẳng (bạn bè, đồng nghiệp…) thì sự thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân cần mang tính hợp tác, vô tư và tự nguyện. Khi mình không am hiểu chuyện thì điều phải thể hiện không phải là ý kiến, quan điểm khẳng định, mà là sự lắng nghe để học hỏi, suy nghĩ. Không có lời nào và bàng quan (né tránh lạnh lùng) là biểu hiện của kĩ năng chia sẻ kém.
- Thể hiện quan điểm riêng luôn phải tránh tính chất áp đặt lộ liễu ngay cả khi mình thực sự muốn áp đặt. Trên thực tế có thể chấp nhận sự áp đặt nếu điều đó dựa vào sự tự giác của các bên sau khi đã hiểu rõ, tán thành nhau, trao đổi, thảo luận sáng tỏ vấn đề. 
- Không bao giờ nên thể hiện kiểu ý kiến hay quan điểm sổ toẹt tất cả hoặc những lời nói phá hoại quá trình chia sẻ như chen ngang, khỏa lấp, chọc ghẹo, thách đố, cay cú, đùa cợt…
3.2.2. Kĩ năng bày tỏ thiện cảm, ác cảm đúng chỗ, đúng lúc, đúng người và đúng việc
Đó là kĩ năng của đời sống tình cảm, thể hiện ra thái độ và xúc cảm có định hướng. Thái độ, xúc cảm trước từng hiện tượng xã hội hoặc những hành vi của con người liên quan đến nhận thức xã hội, các giá trị sống và đánh giá của từng cá nhân con người. Tuy nhiên việc bày tỏ thiện cảm, ác cảm như một sự tán thành/phản đối, khen/chê, tôn trọng/miệt thị có thể gây tác động tích cực hay tiêu cực, thu hút người khác đến gần mình hoặc đẩy họ xa ta, tạo sự thân thiện hoặc sự ghét bỏ. Bày tỏ thiện cảm, ác cảm thể hiện qua kĩ năng ngôn ngữ (đặc biệt có sức mạnh khi dùng ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ cơ thể như ánh mắt lạnh lùng, một nụ cười mỉa mai, nhếch mép, một cái phẩy tay…) là loại kĩ năng phổ biến. Vì vậy kĩ năng bày tỏ thiện cảm, ác cảm đúng chỗ, đúng lúc, đúng người và đúng việc vô cùng quan trọng. Để thể hiện đúng chỗ, đúng lúc, đúng người, đúng việc cần chú ý các yêu cầu sau:
- Trong quan hệ công việc, quan hệ học tập nên chú ý phân biệt quan hệ công vụ và quan hệ cá nhân, không mang những thiện cảm hay ác cảm riêng tư vào quan hệ công vụ.
- Không xử lí các vấn đề riêng tư bằng cách lạm dụng quan hệ công vụ hoặc chức trách quyền hạn mà mình được giao phó.
- Sự khéo léo khi tỏ thái độ thiện cảm hay ác cảm là cần thiết nhưng những sách lược như vậy không được vi phạm các chuẩn mực đạo đức, thẩm mĩ, qui định pháp luật hoặc nguyên tắc công cộng.
3.2.3. Kĩ năng định hướng hành vi giao tiếp trong hoàn cảnh xã hội cụ thể khác nhau
Trong mỗi hoàn cảnh giao tiếp, ứng xử xã hội cụ thể cần xác định mình ở đâu, đối tượng ở đâu, quanh mình là những ai và những gì. Khi đó hành vi giao tiếp xã hội sẽ có tính mục đích, đúng mực và hiệu quả. Kĩ năng định hướng hành vi giao tiếp trong hoàn cảnh xã hội khác nhau trước hết dựa vào sự tinh tế của quan sát, hiểu và đánh giá đối tượng giao tiếp (trạng thái cảm xúc, thái độ, nhu cầu, hứng thú, học vấn…), nhận thức bối cảnh giao tiếp, nhận thức về bản thân, phân tích và quyết định lựa chọn kiểu giao tiếp phù hợp (hành vi giao tiếp, thái độ, các kiểu lời nói, thời gian giao tiếp…). 
Kĩ năng định hướng hành vi giao tiếp liên quan và phụ thuộc vào mức độ trải nghiệm, vào vốn sống, vào văn hóa của từng người. Dù trong bất kì hoàn cảnh xã hội nào kĩ năng định hướng giao tiếp cũng nên vươn tới những giá trị nhân văn như cởi mở, tự nhiên, khoan hòa, tự trọng và tôn trọng người khác, thừa nhận sự khác biệt. Kĩ năng định hướng khác nhau ở từng người về tốc độ định hướng, sự linh hoạt và tính phù hợp. 
3.2.4. Kĩ năng xử lí các quan hệ xã hội trong những môi trường công cộng khác nhau
Trong các môi trường công cộng luôn tồn tại các dạng quan hệ xã hội khác nhau phức tạp, bởi vì mỗi người cùng một lúc luôn thủ các vai trò khác nhau trong cộng đồng. Tôi là một học sinh lớp 10, nhưng tôi cũng là Đoàn viên đoàn thanh niên, nhưng tôi lại là đội trưởng đội võ thuật của trường, là con của một giáo viên trong trường. Vì thế kĩ năng xử lí các quan hệ xã hội là cần thiết cho mọi người. Để xử lí các quan hệ xã hội hiệu quả, cần biết xác định vị trí của mình trong thời gian hiện tại, xếp thứ bậc ưu tiên các quan hệ xã hội cần giải quyết trước theo mức độ quan trọng và khẩn cấp; cân nhắc các quan hệ xã hội cần xử lí và tiến hành xử lí. Tuy nhiên cần xử lí khéo léo và mềm mại để tất cả những người liên quan cảm thấy được tôn trọng và công nhận sự hợp lí cách lựa chọn giải pháp của bạn. 
Ở người trưởng thành, chẳng hạn trong công tác quản lí, kĩ năng xử lí các quan hệ xã hội trong tổ chức là kĩ năng rất hữu ích. Phải xác định vai trò mình sẽ thể hiện cho phù hợp và tương ứng với vai đó thì hành vi phải thế nào. Nhận xét giờ dạy của cô giáo, hiệu trưởng có thể thực hiện dưới nhiều vai: 1/ vai thủ trưởng – tất nhiên là mở qui chế hay tiêu chuẩn ra mà phán lạnh lùng nếu cô giáo đó là người ưa ứng xử kiểu hành chính, 2/ vai đồng nghiệp – sẽ rủ rỉ tỉ tê mà nói rằng nếu chị là em, chị sẽ dạy đoạn này như thế này, như thế kia, 3/ vai tư vấn – sẽ bàn luận với nhau xem mạnh yếu của bài dạy này thế nào, đí đến nhận xét chung, 4/ vai học sinh – phần giải bài tập này có thể học sinh sẽ hỏi cô thế này, cô sẽ giải thích sao đây? v.v…
3.2.5. Kĩ năng giải quyết vấn đề trong hoàn cảnh giao tiếp xã hội
Trong giao tiếp xã hội thường hay xảy ra những vấn đề giữa các bên giao tiếp: cùng về một vấn đề nhưng hiểu khác nhau, cách giải quyết vấn đề khác nhau, hiểu nhầm nhau, hoặc giá trị ở từng bên khác nhau, hoặc vấn đề nảy sinh ở người này nhưng không hề xuất hiện ở người kia. Vấn đề có thể nhỏ bé hoặc nghiêm trọng, có thể nhẹ nhàng hoặc gay gắt. Do vậy, kĩ năng giải quyết vấn đề trong hoàn cảnh giao tiếp xã hội thật sự quan trọng, giúp nhanh chóng đạt mục tiêu giao tiếp, mang lại sự thỏa mãn ít hoặc nhiều cho cả hai bên. Kĩ năng giải quyết vấn đề bao gồm việc xác định vấn đề cần giải quyết; phân tích vấn đề, đưa ra các phương án giải quyết cùng với những điểm mạnh và điểm yếu kèm theo; lựa chọn phương án và thực hiện giải quyết theo phương án đó, đánh giá kết quả và điều chỉnh giải pháp.
Khi vấn đề tồn tại ở cả hai bên thì thương lượng và thảo luận cởi mở với nhau là điều vô cùng cần thiết. Triết lí hiện đại trong hợp tác và cạnh tranh giữa các bên là Win-Win, tức là hai bên cùng thắng, không có ai bại. Mỗi bên đều được việc của mình khi giải quyết những tranh chấp khác nhau. Không nhất thiết phải hiếu thắng và đánh bại đối thủ. Khi vấn đề chỉ quan trọng với một bên, thì chính bên đó phải chủ động giải quyết vấn đề chứ không nên ỷ lại và dựa dẫm. Tuy nhiên hãy khôn khéo biến bên kia thành cố vấn cho mình.

3.3. Những kĩ năng thích ứng xã hội
3.3.1. Kĩ năng thu xếp ổn định khi lưu chuyển sang công việc hay nghề nghiệp mới
Kĩ năng thu xếp ổn định khi lưu chuyển sang công việc hay nghề nghiệp mới cần thiết cho con người, vì đó thường tạo nên những thay đổi mạnh mẽ, đôi khi là cú sốc cho một cá nhân. Những học sinh khi chuyển từ cấp học này sang cấp học khác (từ lớp 5 sang lớp 6, từ lớp 9 sang lớp 10, từ lớp 12 sang đại học) đôi khi mất rất nhiều thời gian trước những thay đổi trong cách học cũng như yêu cầu học tập của từng cấp học. Kĩ năng thu xếp ổn định khi lưu chuyển sang công việc hay nghề nghiệp mới bao gồm những kĩ năng cụ thể sau đây: kĩ năng phân tích xác định những yêu cầu của công việc hay nghề nghiệp mới, kĩ năng thực hiện và điều chỉnh công việc hay nghề nghiệp theo yêu cầu mới, kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ tư những đồng nghiệp và người quen mới, kĩ năng thiết lập các quan hệ công việc với những người mới cùng làm việc
3.3.2. Kĩ năng điều chỉnh cuộc sống công cộng khi hoàn cảnh xã hội thay đổi
Con người cần điều chỉnh cuộc sống cá nhân và công cộng khi hoàn cảnh xã hội thay đổi, ví dụ như học sinh chuyển trường từ vùng núi xuống thành phố, đi du học nước ngoài. Sự điều chỉnh diễn ra nhiều hoặc ít tùy theo sự khác biệt về văn hóa, về lối sống…Tuy nhiên, sự điều chỉnh này trước tiên và phần lớn thường xảy ra trong lĩnh vực hành vi, chứ không phải giá trị hay thái độ. Kĩ năng điều chỉnh cuộc sống này bao gồm những kĩ năng thành phần như thiết lập các quan hệ xã hội mới phù hợp với sự thay đổi của hoàn cảnh, kĩ năng thay đổi các hành vi ứng xử nơi công cộng (hành vi đi học đi bộ khi ở miền núi rất khác với hành vi sử dụng xe buyt khi ở các thành phố lớn…), kĩ năng quan sát và nhận thức sự khác biệt trong hoàn cảnh xã hội, kĩ năng đánh giá mức độ điều chỉnh hiệu quả, kĩ năng quản lí căng thẳng trong quá trình điều chỉnh cuộc sống công cộng… 
Khi con người có kĩ năng điều chỉnh cuộc sống công cộng thì khả năng nhanh chóng thích ứng với môi trường mới càng cao. Do đó việc tổ chức tham quan, dã ngoại, du lịch, các hoạt động xã hội tình nguyện cho học sinh là biện pháp giúp các em rèn luyện cách nhận diện những thay đổi trong môi trường sống và rèn luyện kĩ năng điều chỉnh cuộc sống công cộng một cách nhanh chóng và tích cực.
3.3.3. Kĩ năng tổ chức và tiến hành hoạt động xã hội
Kĩ năng này bao gồm những thành phần cụ thể như là những kĩ năng nhỏ hơn: kĩ năng tạo lập các quan hệ xã hội theo mục đích nhất định, kĩ năng tham gia các hoạt động cộng đồng, kĩ năng tiến hành công tác xã hội ở những qui mô khác nhau (đoàn, đội, trường, cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng xã, phường, hiệp hội v.v…).
Tuy nhiên, loại kĩ năng này ở những người hoạt động xã hội chuyên nghiệp tại các đoàn thể, hiệp hội, nhóm xã hội khác và các chuyên gia công tác xã hội thì lại không phải là kĩ năng xã hội nữa, vì khi đó chúng chính là kĩ năng nghề nghiệp chuyên môn của họ. 
3.3.4. Kĩ năng thay đổi hay cải tạo những điều kiện nhất định trong đời sống xã hội của mình
Cải tạo hay thay đổi ở đây không theo nghĩa tuyệt đối và không đối lập với thích ứng, mà nó là từng bước cục bộ của quá trình thích ứng. Sẽ sai lầm nếu hiểu cải tạo là thay đổi thế giới hay lật ngược tự nhiên. Trong quá trình thích ứng thì nội dung căn bản là thích nghi, quen dần, song không thể không có những hành vi thay đổi, cải tạo những yếu tố cục bộ, xét về qui mô, liều lượng và thời gian đều vậy. Song những thay đổi đó thực chất nằm trong quá trình tổng thể là thích ứng mà thôi. Nói cách khác cải tạo chỉ là một hình thức tích cực và chủ động của thích ứng, khác với thích ứng thụ động mà ta thường gọi là cam chịu hay an phận. Ngay cả thích ứng thụ động cũng là điều cần thiết không thể thiếu trong cuộc sống xã hội hiện đại (người xưa gọi là Nhẫn, một đức tính được đề cao đến hôm nay).
Những điều kiện cần thiết để rèn luyện và thực hiện kĩ năng thích ứng xã hội là cá nhân phải có nhận thức và nhu cầu xã hội phát triển tốt, quan tâm và thường xuyên cải thiện hành vi ứng xử và giao tiếp xã hội, chủ động tham gia các sự kiện xã hội để có nhiều cơ hội trải nghiệm và phát triển ý thức công dân phù hợp, khả năng tư duy xã hội sắc bén. Ứng xử và giao tiếp xã hội cùng với văn hóa sinh hoạt là nền tảng để rèn luyện kĩ năng thích ứng xã hội.
3.3.5. Kĩ năng giải quyết vấn đề trong quá trình thích ứng xã hội
Các vấn đề nảy sinh trong quá trình thích ứng xã hội nói chung rất phổ biến và đa dạng, có thể nói mỗi người phải đối mặt ngày ngày. Chúng có thể khác biệt nhau khi con người cần thay đổi cách hành động, thay đổi suy nghĩ, thay đổi giá trị, hay nhỏ hơn như cách đi lại, cách xưng hô, cách sinh hoạt, ăn mặc…. để phù hợp với những điều kiện xã hội đang thay đổi. Chẳng hạn, những người đứng tuổi thường lúng túng khi phải sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại trong cuộc sống dù họ bắt buộc phải đối mặt. Những bạn trẻ thường lúng túng khi phải thực hiện những nghi thức hành vi giao tiếp với người lớn tuổi hơn.
Kĩ năng giải quyết vấn đề trong quá trình thích ứng xã hội bao gồm hiểu rõ công việc khi khó khăn, nhận dạng những yêu cầu mà mình cần phải đáp ứng, liệt kê và phân tích những phương thức giúp mình thích ứng, tự mình chủ động học hỏi hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ để có thể thích ứng tốt với các thay đổi trong hoàn cảnh xã hội, tự mình đặt ra những thách thức và vấn đề để tập dượt trải nghiệm, đánh giá khả năng và kết quả thích ứng qua giải quyết những vấn đề nảy sinh. Khi có kĩ năng như vậy, con người không ngại khó, không sợ trở ngại, dám vượt qua thách thức, biết nắm bắt cơ hội và biết cách giải quyết vấn đề để thích ứng với công việc mới và hoàn cảnh sống mới.
4. Kết luận
4.1. Vấn đề kĩ năng xã hội trong lí luận giáo dục tuy được xem xét nhiều nhưng hiện nay vẫn chưa thực sự sáng tỏ. Cần tiếp tục nghiên cứu để nhận diện và mô tả chúng cụ thể.
4.2. Kĩ năng xã hội cũng là vấn đề thực tiễn nóng bỏng trong giáo dục cũng như đời sống. Chúng gắn liền với quan hệ cá nhân-xã hội và cần thiết cho con người dù làm việc hay sống ở môi trường hay hoàn cảnh nào. Đó là loại kĩ năng rất cần được quan tâm huấn luyện từ lứa tuổi nhỏ.
4.3. Những kĩ năng xã hội chung nhất gồm 3 nhóm: Kĩ năng nhận thức xã hội, Kĩ năng ứng xử và giao tiếp xã hội, Kĩ năng thích ứng xã hội. Chúng rất đa dạng và vấn đề của giáo dục là thiết kế cụ thể những kĩ năng đó trong các hoạt động giáo dục để tạo ra môi trường và nhiều cơ hội trải nghiệm của người học. Trải nghiệm và làm việc trong những quan hệ xã hội thật sự là con đường duy nhất để học các kĩ năng xã hội.
Tài liệu tham khảo
1. Baron, R.A., Markman, G.D. (2000). Beyond social capital: the role of entrepreneurs’ social competence in their financial success. Academy of Management Executive 14 (1), 106 – 116.
2. Cohen, C. (2000). Raise Your Child's Social IQ: Stepping Stones to People Skills for Kids. Silver Springs, MD: Advantage Books.
3. Coie, J. D., Dodge, K. A., and Coppotelli, H. (1982). Dimensions and types of social status: A cross-age perspective. Developmental Psychology, 18, 557-570.
4. Candy Lawson (2007), Social skills and school,http://www.cdl.org/resource-libr…/articles/social_skills.php
5. Eduard Ezeanu (2011), Build Social Skills, http://www.pickthebrain.com/…/5-ways-to-build-social-skills/
6. Đặng Thành Hưng ((2010). Nhận diện và đánh giá kĩ năng. Tạp chí Khoa học giáo dục số 64 tháng 11/2010, Hà Nội.
7. Kathlyn M. Steedly, Amanda Schwartz, Michael Levin, & Stephen D. Luke, (2011), Social Skills and Academic Achievement, Evidence for Education, Volume III, Issue 2 , 2011
8. Myers DG. Chapter 17: Social Psychology. In: Brune C. Psychology 7th Edition. New York: Worth Publishers; 2003. 694-741.
9. Vesper, K.H., 1990. New Venture Strategies, second ed. Prentice-Hall, Englewood Cliffs, NJ.
12.http://www.phschool.com/eteach/professional development/teaching the social skills/essay.html


Nguồn: Đặng Thành Hưng, Trần Thị Tố Oanh (2014), “Bản chất và đặc điểm của kĩ năng xã hội”, Tạp chí Khoa học giáo dục, số 100 tháng 1, tr. 9-10,38 và số 101 tháng 2, tr. 17-19,37. Hà Nội.

-------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét