expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

BẢN CHẤT VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA VIỆC TỰ HỌC

1. Vấn đề hiện nay
Tự học (Independent Learning, Self-directed Learning, Self-managed Learning) từ hơn 10 năm nay luôn là vấn đề được quan tâm trong lí luận dạy học ở nước ta. Nhiều nghiên cứu (luận án, luận văn, chuyên khảo, bài báo) và nhiều giáo trình, tài liệu huấn luyện, báo cáo hội thảo đã bàn về tự học. Mặc dù đó là dấu hiệu tốt, nhưng cách hiểu và cách giải quyết vấn đề này căn bản còn thiếu tính khoa học. Nhiều quan điểm tư biện, một số cách giải thích tùy tiện, và không ít ý kiến không có logic tối thiểu. Cho đến nay có không dưới chục luận án tiến sĩ lấy tự học làm chủ đề nghiên cứu, nhưng không có khái niệm khoa học, thậm chí chỉ riêng việc định nghĩa khái niệm tự học đã sai. Vậy làm sao có thể nhận thức bản chất của hiện tượng này, và càng không thể có giải pháp đúng đắn được.

Nói về thuật ngữ, so với những thuật ngữ cùng phong cách như tự quản, tự kiểm tra, tự đánh giá, tự tin, tự cao tự đại, tự cường, tự kiêu, tự lực, tự giác, tự nhận thức v.v… thì cụm từ Tự học hoàn toàn vô nghĩa, hoặc nếu cố gán nghĩa cho nó thì chỉ có thể giải thích đó là “mình học mình”. Đó là chuyện lộn ngược với lẽ thường. Mình học mình có nghĩa là không học hành gì cả. Và chuyện này rõ ràng không tồn tại. Trên thực tế, ai ai cũng học, chỉ nhiều hay ít và học cái gì mà thôi. Trên đời chỉ có chuyện mình dạy mình chứ không bao giờ có chuyện mình học mình. 
Tuy vậy đành chấp nhận thuật ngữ sai vì dùng đã quá lâu, nhưng cần hiểu đúng bản chất và xử lí một cách khoa học. Hiện nay vẫn rất phổ biến những quan điểm hoặc sai lầm hoặc thiếu chính xác về tự học, cho dù khái niệm này hoàn toàn dễ hiểu. Rất đơn giản, tự học là học độc lập, học không phụ thuộc, học tập dưới chính sự quản lí của mình, học tập không phụ thuộc trực tiếp vào thầy cô, chương trình, bài bản do người khác bày đặt v.v…, nói gọn là tự mình quyết định việc học tập của mình chứ không dựa vào chỉ dẫn, quyết định, mệnh lệnh hay tác động trực tiếp của người khác. Vấn đề chính là từ chuyện đơn giản dễ hiểu và quá rõ ràng nhưng tại sao nhiều bài vở lại giải thích lung tung rối loạn? Tai hại hơn nữa, nhiều tài liệu như thế được sử dụng làm giáo trình để đào tạo giáo viên, để tham khảo trong đào tạo sau đại học, để làm “cơ sở lí luận” cho các đề tài nghiên cứu khoa học-công nghệ, trong đó có nhiều luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ.



2. Hiện tượng và bản chất của việc tự học
2.1. Những giải thích sai lầm

- Sai lầm phổ biến là nhầm lẫn tự học với học. Hầu hết những định nghĩa tự học hiện nay là nói về học tập, không hề có khác biệt gì. Ví dụ: Tự học là tự mình suy nghĩ, tìm kiếm tri thức, nỗ lực chiếm lĩnh nội dung học tập v.v… Thực chất đó vẫn là học thôi. Không lẽ khi người này học lại có người khác suy nghĩ, nỗ lực, tìm kiếm, đọc sách hay ghi chép thay hay sao? Ai muốn học được điều gì dù là nhỏ nhoi nhất cũng phải do mình học, không có ai khác học hộ được. Trong học tập bình thường hay trong tự học thì vẫn là người học phải học chứ không có ai khác học thay được.
- Sai lầm gần giống như thế thể hiện ở việc đồng nhất tự học với học tập tích cực. Người ta học với mức độ tính tích cực khác nhau. Cho dù học với tính tích cực cao nhất mà vẫn có thầy trực tiếp quản lí (hoạch định, tổ chức, chỉ đạo, giám sát, đánh giá…) hoặc quyết định mục tiêu, nội dung, hình thức học tập thì đó vẫn là học chứ không phải tự học. Không thể nhầm lẫn mức độ tích cực học tập với tự học. Có thể học hùng hục ra nhưng vẫn là học phụ thuộc chứ không phải tự học. Ngược lại có thể tự học mà vẫn không tích cực lắm, đặc biệt trong kiểu tự học ngẫu nhiên.
- Sai lầm luẩn quẩn và tư biện hơn nữa là xây dựng qui trình rèn luyện kĩ năng tự học. Làm gì có kĩ năng tự học mà rèn luyện. Tất cả những bài vở viết về kĩ năng tự học hóa ra đều nói về kĩ năng học tập, ví dụ kĩ năng đọc sách, kĩ năng tìm kiếm thông tin, kĩ năng xử lí thông tin, kĩ năng ghi chép, kĩ năng quan sát, kĩ năng làm bài thi, kĩ năng trao đổi chia sẻ, kĩ năng suy luận v.v… Nếu đó là những kĩ năng tự học thì kĩ năng học tập là gì? Chả lẽ là những kĩ năng của người khác thay vào? Không hiểu vì lẽ gì mà lại quan niệm ngây ngô như vậy. Tự học đâu phải là kĩ năng, mà là cả bản lĩnh con người, trong đó tích tụ các kĩ năng và kinh nghiệm học tập, ý chí, nghị lực, định hướng giá trị, tầm nhìn và giải pháp chiến lược, nhu cầu và khát vọng học tập, thiện chí và tình yêu với học vấn, và cuối cùng còn cả sức khỏe nữa, nhất là sức khỏe tâm thần. Nếu định nói kĩ năng, thì chỉ có kĩ năng học tập, không bao giờ có kĩ năng tự học.
2.2. Những biện hộ sai lầm
- Tự học là một mình ngồi làm bài tập ở lớp hay bài tập về nhà do thầy cô giao cho, đó là một hình thức tự học! Lập luận này chính là tự lừa dối mình. Muốn ngồi một mình hay mấy mình, ở nhà hay ở lớp đi nữa nhưng bài vở và chế độ học tập do người khác đặt ra, phụ thuộc thầy cô, sau đó thầy cô đánh giá, cho điểm v.v… thì đó vẫn là học phụ thuộc, không phải tự học.
- Tổ chức cho học sinh tự học trên lớp! Đã có người tổ chức cho mình học thì còn đâu là tự học. Rõ ràng là học dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thầy cô thì không thể gọi là tự học được. Không phải vì thầy không đứng ở lớp, rồi giao lớp cho học sinh tự quản khi đó mà cho rằng đó là tự học. Vì thực chất các em vẫn học theo chỉ đạo của thầy, thầy ra lệnh học mà.
- Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà là một hình thức tự học! Đây là nhầm lẫn giữa dạy lái xe và lái xe. Đang dạy các em cách tự học là nhiệm vụ của giáo viên và đó là yêu cầu của dạy học hiện đại. Rõ ràng các em đang học cách tự học thì sao lại nói đó là một hình thức tự học? Nhà trường và giáo viên ngày nay được giao sứ mệnh là phải dạy học sinh của mình cách học và cách tự học. Hoàn toàn đúng. Nhưng dạy học sinh tự học thì đâu phải học sinh tự học. Đó là nhầm lẫn giữa dạy là việc của thầy với học là việc của trò.
- Hướng dẫn học sinh tự học môn văn, môn toán, môn tự nhiên-xã hội! Môn học là định chế rõ ràng rồi, việc học bị ràng buộc từ bên ngoài thì sao lại gọi là tự học được. Tất nhiên, hiện tượng tự học rất phổ biến. Nhiều học sinh tự học lĩnh vực học vấn nào đó, như văn, toán, hóa, vật lí, lịch sử, nghệ thuật, thể thao… thành công đến mức còn giỏi hơn thầy cô mình. Nhưng hễ nói đến môn học thì xin đừng gọi là tự học, vì môn học tự nó là một công cụ quản lí học tập rồi, và là công cụ quản lí của người khác từ bên ngoài, cụ thể ở nước ta thì môn học là công cụ quản lí học tập của nhà trường, của giáo viên. Học sinh có thể tự học Toán hay tự học Văn… là chuyện khác, chứ không phải chuyện môn học.
2.3. Hiện tượng tự học
Hiện tượng tự học có 2 kiểu chủ yếu: 1/ Tự học ngẫu nhiên, tức là vớ gì thấy hay, thấy ích lợi thì học cái ấy. Đây là kiểu tự học vô cùng phổ biến và ít nhiều ở bất cứ ai cũng có hiện tượng này. Nó cho thấy trẻ em, học sinh hay thanh niên chả biết học ở đâu ra những thứ khác thường mà người lớn không hề biết, không phát hiện được, không ngờ đến và không biết ai dạy; 2/ Tự học có tầm nhìn và giải pháp chiến lược - việc học được đề ra như một kế hoạch chiến lược và tự người học quản lí việc thực hiện kế hoạch đó. Nhà trường có trách nhiệm tập trung vào rèn luyện năng lực tự học kiểu chiến lược cho người học, ngay từ những năm tiểu học cho đến đại học.
Do tự học nói chung là hiện tượng rất phổ biến nên xét trên phương diện xã hội nó được gọi là học tập phi chính qui (Informal Learning), có nghĩa là học tập diễn ra không phải theo thể chế chính thống. Biểu hiện thường thấy ở người tự học và việc tự học là:
1. Người học thực hiện việc học mà không có người khác trực tiếp quản lí, can thiệp, khuyến khích, trừng phạt v.v… dù dưới hình thức nào.
2. Việc học đó không bị ép vào học chế nào (chương trình, bài lớp, môn học, thời khóa biểu v.v…) và nếu có những công cụ này thì điều đó là do người học tự nguyện tìm ra và sử dụng.
3. Khi tự học nếu có người dạy thì đó luôn chỉ là người dạy gián tiếp. Người thầy gián tiếp này có tính tổng thể, là những nguồn lực học tập trong cuộc sống, trong nền văn hóa cộng đồng. Và điều quan trọng nhất - người thầy đó là ai và cái gì là do người học tự mình tìm ra, chứ không do ai bên ngoài mang đến gán cho họ.
4. Tự học không gắn liền trực tiếp với những yếu tố quản lí chính thống, mà dựa vào tự quản lí. Căn bản người tự học không mong chờ khen thưởng, không lo sợ trách phạt, không ỷ lại sự quản chế của người khác, cũng không ngại tự quản lí mình, không trông chờ điều kiện mà chủ động tìm ra điều kiện học tập (thông tin, học liệu, sự trợ giúp từ ngoài…), không lệ thuộc vào những qui định hành chính hay học chế v.v…
5. Những lĩnh vực giá trị phổ biến nhất trong tự học thường là vượt ra khỏi khuôn khổ chưong trình giáo dục hay chương trình đào tạo chính qui. Nếu người tự học vẫn tuân theo hay tựa vào chương trình chính qui, thì bao giờ mục tiêu của tự học vẫn là nâng cao hơn, mở rộng hơn và vượt lên trên chương trình đó. Nhiều lĩnh vực tự học hoàn toàn không nằm trong chương trình giáo dục chính qui, đặc biệt là nghệ thuật, võ thuật, các kĩ năng nghề thủ công, kĩ năng sống cụ thể, đặc biệt là những kĩ năng sinh hoạt, giao tiếp, giải trí, hoạt động xã hội…
2.4. Bản chất của tự học
Nguyên tắc bản chất nhất giúp phân biệt tự học và học tập bình thường là tính chất độc lập của việc học (không phụ thuộc trực tiếp vào thầy) và tính tự nguyện của người học (không do ai và cái gì ép buộc). Khái niệm tự học có thể được hiểu ngắn gọn như sau: Tự học là việc học có tính chất độc lập, không phụ thuộc trực tiếp vào thầy, và được người học tiến hành hoàn toàn tự nguyện do nhu cầu, lợi ích hay hứng thú của chính mình thúc đẩy. 
Để rõ hơn, chúng ta có thể loại ngay trường hợp cha mẹ bắt trẻ đến lớp học thêm – đó không phải là tự học. Nhưng học thêm có thể là tự học nếu như việc học đó do chính trẻ đề xướng và tự nguyện thực hiện. Không quan trọng gì chuyện học ở lớp hay ở nhà, ở thư viện hay trên mạng, học tại chỗ hay từ xa, mà là tính độc lập của việc học và tính tự nguyện của người học mới quyết định đó là tự học hay không.
Nếu như ta thấy giáo viên trên lớp đang tiến hành chỉ đạo học tập thì cũng chớ vội cho rằng không có tự học. Vẫn có thể có em học sinh nào đó đang tự học. Và em đó đang học những gì không lên quan trực tiếp đến chuyện mà thầy giảng dạy, không theo kế hoạch của thầy, không chờ thầy cho điểm, không tuân theo chỉ đạo của thầy… mà theo tính toán hay ý thích của mình thôi. Thuật ngữ Tự học được dùng ở đây có nghĩa là tự ý mình học tập, chứ không theo nghĩa “mình học mình”.
Trường hợp học sinh đến lớp học thêm những gì ngoài chương trình có thể là tự học và có thể không phải là tự học. Là tự học nếu học sinh đó tự nguyện tìm đến thầy và tự nguyện học, và em cũng tự quyết định có học hay không và học cái gì sau khi trải nghiệm người thầy đó một thời gian, chứ không lệ thuộc vào người thầy đó. Nếu thấy người thầy đó không đáp ứng nổi nhu cầu học tập của mình, học sinh đó tự quyết rời bỏ đi tìm thầy khác. Không phải là tự học nếu tất cả những chuyện học thêm, có thầy hay không có thầy, học cái gì và học thế nào, học đến đâu v.v… đều do người khác quyết định, rủ rê hay ép buộc, chứ không phải do chính học sinh quyết định.
Tính chất độc lập của việc học trong quá trình tự học được xét theo nhiều liên hệ khác nhau:
- Tính độc lập của mục đích và giá trị học vấn mong muốn, tức là học cái gì và học để làm gì là do người học quyết định.
- Tính độc lập về mặt quản lí (kế hoạch, cách thức quản lí, thời gian, không gian và các điều kiện khác), tức là không có ai khác trực tiếp quản lí, mà do người học tự quản lí.
- Tính độc lập của cách thức học tập (kĩ năng và phương pháp học tập), tức là học như thế nào là do người học lựa chọn.
- Tính độc lập của phương tiện và môi trường học tập, tức là học ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và bằng bất cứ cái gì thấy chấp nhận được là do người học phán xét.
Tính tự nguyện của người học có thể thấy được qua những yếu tố sau:
- Tác động của động cơ học tập cá nhân, tức là vì cái gì hay vì ai mà học là do người học giác ngộ, không do ai xui khiến.
- Thái độ thiện chí và tính sẵn sàng cao với việc học của mình.
- Tình cảm mạnh mẽ và khát vọng sáng tạo trong học tập.
- Ý chí bền bỉ, không nản lòng trước khó khăn khi học tập.
- Tính chất tự nhiên của quá trình học tập: linh hoạt, cơ động, trong sáng, toàn tâm toàn ý, thậm chí là vui vẻ sảng khoái trong học tập, không bị áp lực ngay cả khi việc học rất vất vả, năng nhọc.
3. Những điều kiện của tự học và giáo dục năng lực tự học
Để có thể tự học (học độc lập) phải có những điều kiện cơ bản bên trong và bên ngoài. Điều kiện bên trong ở chính người học. Điều kiện bên ngoài là các tác động của môi trường học tập. Nhận thức đúng những điều kiện của tự học thì nhà trường mới giải quyết đúng vấn đề giáo dục năng lực tự học cho học sinh.
3.1. Những điều kiện của tự học
Từ năm 2001 [3, Tạp chí Thông tin KHGD số 84, trang 17-21] đã có quan điểm nhấn mạnh bản chất của dạy học hiện đại nằm ở chỗ chuẩn bị cho người học ngay từ trường phổ thông năng lực tự học (học độc lập), chứ không ở chỗ dạy và học những môn học nào. Những điều kiện bên trong thiết yếu mà người học cần được chuẩn bị để có thể tự học gồm:
- Nhu cầu và khát vọng học tập, nói đơn giản là muốn học. Đây là điều kiện tiên quyết nhất.
- Kĩ năng học tập (các kĩ năng nhận thức học tập, các kĩ năng quản lí học tập và các kĩ năng giao tiếp học tập) và những kĩ năng mềm kèm theo, hỗ trợ cho học tập, nói đơn giản là biết học cả theo nghĩa học đường (hàn lâm) lẫn theo nghĩa xã hội. Đây là điều kiện cần, nếu thiếu hay yếu thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
- Động cơ học tập mạnh mẽ, hợp xã hội, nói đơn giản là học lành mạnh, học những điều tốt và có ích, không học những điều xấu và có hại. Đây là điều kiện cần, vì khi đó học mới là hạnh phúc.
- Ý chí, nghị lực cao trong học tập, nói đơn giản là học bền bỉ, kiên trì, không ngại khó khăn, dám chấp nhận thách thức và vượt qua trở ngại. Đây cũng là điều kiện quyết định nhất, và quyết định tất cả những điều kiện khác.
- Có những trải nghiệm thành công trong học tập, nói đơn giản là học có kết quả rõ ràng, bởi vì cảm giác thành công luôn là động lực giúp con người mạnh mẽ hơn và tự tin hơn trong học tập và phát triển cá nhân. Đây là điều kiện cần, hỗ trợ cho nhu cầu học tập.
- Tính chủ động và độc lập trong học tập, trước hết là ý thức và hành động có trách nhiệm cá nhân cao trong học tập. Đây là điều kiện giúp người học khắc phục dần tâm thế dựa dẫm, trông chờ sự giúp đỡ hay khuyến khích từ bên ngoài, phát triển lòng tự trọng, sự trung thực và chịu trách nhiệm [2]
Những điều kiện bên ngoài thuận lợi cho tự học thường là:
- Nội dung học tập thể hiện giá trị phù hợp với nhu cầu và lợi ích của người học, và được họ tự giác ngộ.
- Dư luận xã hội quanh họ khuyến khích học tập, nâng đỡ và tạo thuận lợi cho học tập, coi trọng học vấn và trân trọng thành tựu học tập.
- Các nguồn lực học tập xã hội phong phú, đa dạng. Nguồn lực học tập được hiểu là các tài nguyên học liệu, các ông thầy không tên, các dạng công nghệ hỗ trợ học tập. Với nguồn tài nguyên và công nghệ truyền thông internet ngày nay thì nguồn lực học tập lớn vô hạn.
- Phương pháp giáo dục của nhà trường và của gia đình, cộng đồng, của các tổ chức xã hội khác phải khuyến khích học tập chủ động, độc lập, nâng cao tính tích cực học tập.
- Môi trường học tập thân thiện, cởi mở, không gò ép, có nhiều cơ hội chia sẻ và trải nghiệm.
3.2. Giáo dục năng lực tự học
Năng lực là khái niệm chỉ những thuộc tính có nguồn gốc sinh học, tâm lí và xã hội có thật ở cá nhân cho phép cá nhân đó thực hiện thành công hoạt động nhất định theo yêu cầu hay tiêu chí nhất định và thu được kết quả thấy được trên thực tế. Năng lực biểu hiện ở quá trình hoạt động (hiệu suất, phương thức, tốc độ và phong cách làm việc) và kết quả hoạt động (sản lượng, năng suất và chất lượng sản phẩm).
Năng lực không phải là khả năng (có thể làm được và có thể không làm được) mà là cái tồn tại thật sự ở cá nhân. Nó cũng không đơn giản là cái gì đó mơ hồ bao gồm tri thức, thái độ và kĩ năng như lâu nay vẫn lầm. Ngay cả đo được ngần ấy thứ đó thì vẫn chưa phải năng lực. Cá nhân có thể có đủ 3 thứ này vẫn không hẳn đã có năng lực. Mấy thứ này thực chất chỉ là cấu trúc tâm lí của năng lực, và năng lực thì không chỉ là cái tâm lí. Bởi vì năng lực là một chất khác với 3 thứ kia gộp lại. Chính đó là điều kì diệu của năng lực, vừa có bản chất sinh học, vừa có bản chất tâm lí, vừa có bản chất xã hội. 
Tất cả những tăng tưởng cục bộ từ các chức năng sinh học, các chức năng tâm lí và các giá trị, kinh nghiệm xã hội ở cá nhân theo một hướng nhất định, đạt đến độ chín nào đó nhờ rèn luyện và trải nghiệm, tích hợp lại tương đối bền vững và chuyển biến dần thành chất khác, tức là thuộc tính mới của cá nhân, cho phép làm tốt công việc hay tiến hành hoạt động đạt hiệu quả mong muốn. Đó là sự hình thành năng lực. Cho nên nói năng lực gồm tri thức, thái độ và kĩ năng quả thật quá đơn giản, quá tầm thường và quá phiến diện. Chỉ có thế thôi thì con người làm sao có được năng lực.
Năng lực tự học phức tạp hơn năng lực lao động thể chất rất nhiều. Nó rất gần với năng lực khoa học, năng lực nghiên cứu, năng lực thiết kế và sáng tạo. Đó là năng lực cho phép cá nhân học độc lập và tự nguyện theo đúng nghĩa của khái niệm tự học, đạt được kết quả học tập mong muốn và thể hiện được quá trình học tập hiệu quả. Đương nhiên năng lực tự học cũng là thuộc tính cá nhân có nguồn gốc sinh học, tâm lí và xã hội tương ứng với việc thực hiện thành công hoạt động hay nhiệm vụ tự học.
Giáo dục năng lực tự học là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và lâu dài của nhà trường. Không đơn giản là hướng dẫn mấy buổi tự học bài trên lớp hay ở nhà, việc này chỉ là tự huyễn hoặc thôi. Giáo dục năng lực tự học là nhiệm vụ của của nhà trường hiện đại, của cả xã hội. Riêng trong dạy học, nó đòi hỏi dạy học phải chuyển hướng triệt để sang chất khác, khắc phục thói quen sách vở và lệ thuộc các nguồn học tập. Hễ còn tham lam bao nhiêu môn, bao nhiêu chữ, cái gì cũng bê vào chương trình giáo dục và nhồi nhét lối học thuộc lòng những thứ không cần thuộc lòng, thì không thể giáo dục năng lực tự học thành công được.
Để giáo dục năng lực tự học, cần thường xuyên và nhất quán bất cứ lúc nào, dạy học cái gì và dạy học ở đâu, thực hiện những giá trị sau đây một cách kiên trì, lâu dài:
1) Dạy học sinh muốn học, tức là nảy sinh và phát triển nhu cầu học tập, luôn khát khao học tập. Dạy được cái này, không sớm thì muộn học sinh sẽ có thể tự học.
2) Dạy học sinh cách học tập, tức là những kĩ năng học tập cơ bản sử dụng được cho bất cứ việc học cái gì. Đó là những kĩ năng nhận thức, những kĩ năng giao tiếp học tập, và những kĩ năng quản lí học tập [4]
3) Dạy học sinh học tập lành mạnh với động cơ trong sáng. Học thực dụng theo thói sính thành tích thì sẽ khó mà tiến đến tự học thực sự được.
4) Dạy học sinh học tập bền bỉ, có nghị lực và ý chí cao trong học tập. Điều này mới giúp họ luôn giữ được tính tích cực học tập cao và chủ động trong học tập, nguồn gốc của tính khám phá, tìm tòi, ưa thử thách.
5) Dạy học sinh học có kết quả, học tập thành công, từ đó các em mới có cơ hội trải nghiệm tích cực, cảm nhận ngày càng tốt hơn về mình và nâng cao nhu cầu học tập hơn.
4. Kết luận
- Tự học là một dạng năng lực cao cấp, quí giá và có thể nói là tài sản quí nhất ở mỗi người.
- Bản chất của tự học là tính độc lập của việc học và tính tự nguyện của người học, không trực tiếp phụ thuộc người khác, không bị ép buộc.
- Tự học là cả một bản lĩnh cá nhân tích hợp nhiều chức năng sinh học, tâm lí và xã hội có thật ở cá nhân đó.
- Để tự học con người phải có những điều kiện nhất định bên trong và bên ngoài, và những điều kiện đó đều chịu ảnh hưởng lớn của giáo dục.
- Giáo dục năng lực tự học là công việc lâu dài, phức tạp của nhà trường và nhiệm vụ khổ luyện của mỗi người. 
Tài liệu tham khảo
1. JacQues Dlore (1996), Học tập - một kho báu tiềm ẩn, NXB Giáo dục, Hà Nội
2. Đặng Thành Hưng (2002), Dạy học hiện đại: Lí luận - Biện pháp - Kĩ thuật, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội.
3. Đặng Thành Hưng (2001), Bản chất của dạy học hiện đại, Tạp chí Thông tin Khoa hoc giáo dục, số 84, Hà Nội
4. Đặng Thành Hưng (2004), Hệ thống kĩ năng học tập hiện đại, Tạp chí Giáo dục, số 2/78, Hà Nội
5. Nguyễn Cảnh Toàn (1999), Bàn luận và kinh nghiệm về tự học, NXB Giáo dục, Hà Nội
6. Nguyễn Cảnh Toàn (chủ biên) (2001), Học và dạy cách học, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội
7. Trịnh Quang Từ (1995), Những phương hướng tổ chức hoạt động tự học của sinh viên các trường quân sự, Luận án tiến sĩ, Hà Nội
Nguồn: Đặng Thành Hưng (2012), “Bản chất và điều kiện của việc tự học”, Tạp chí Khoa học giáo dục, số 78 tháng 3, tr. 4-7, 21.


------------------------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét