expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Quan điểm dạy học giải quyết vấn đề

1. Khái niệm bản chất
Dạy học giải quyết vấn đề (GQVĐ) (dạy học nêu vấn đề, dạy học nhận biết và giải quyết vấn đề) là quan điểm dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề. Người học đựợc đặt trong một tình huống hoặc tình huống có vấn đề, đó là tình huống chứa đựng mâu thuẫn nhận thức, thông qua việc giải quyết vấn đề, giúp người học lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức. Dạy học GQVĐ là con đường cơ bản để phát huy tính tích cực nhận thức của người học, có thể áp dụng trong nhiều hình thức dạy học với những mức độ tự lực khác nhau của người học. Các tình huống có vấn đề là những tình huống khoa học chuyên môn, cũng có thể là những tình huống gắn với thực tiễn. Trong thực tiễn dạy học hiện nay, dạy học giải quyết vấn đề thường chú ý đến những vấn đề khoa học chuyên môn mà ít chú ý  đến các vấn đề gắn với thực tiễn. Tuy nhiên nếu chỉ chú trọng việc giải quyết các vấn đề nhận thức trong khoa học chuyên môn thì người học vẫn chưa đựợc chuẩn bị tốt cho việc giải quyết các tình huống thực tiễn. Vì vậy bên cạnh dạy học GQVĐ, lý luận dạy học còn xây dựng quan điểm dạy học theo tình huống. 
Thực chất dạy học giải quyết vấn đề cũng là một dạng khác của dạy học tìm tòi khám phá, ở đây muốn nhấn mạnh và cụ thể hơn về tính tương tác biện chứng giữa người dạy và người học. Học giải quyết vấn đề biểu hiện sự thống nhất giữa kiến tạo tri thức, phát triển tư duy kỹ thuật, tư duy phản biện. Những tri thức mới đối với người học được kiến tạo thông qua quá trình giải quyết vấn đề. Giá trị phát triển tư duy kỹ thuật là, người học được học cách khám phá, rèn luyện cách thức phát hiện, tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách khoa học. Phát triển tư duy phản biện (phê phán) là khả năng so sánh, đánh giá, nhìn ra vấn đề bất hợp lý, không khả thi, thiếu sót, mâu thuẫn,... Đồng thời, góp phần bồi dưỡng cho người học những phẩm chất tích cực, chủ động, tính kiên trì vượt khó, tính kế hoạch và thói quen tự kiểm tra.
Dạy học giải quyết vấn đề là dạy học định hướng vào người học, được dựa trên các vấn đề thực tiễn có liên quan đến nhiệm vụ người học, liên quan đến nội dung thực hành đã được quy định trong “chuẩn kiến thức, kỹ năng”. Vì vậy, đòi hỏi người học phải tìm hiểu, nghiên cứu, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã có và vốn sống thực tế để giải quyết vấn đề đặt ra. Trên cơ sở đó, người học tự chiếm lĩnh tri thức và phát triển các năng lực như lập kế hoạch, tự định hướng học tập, hợp tác, các kỹ năng tư duy bậc cao, kỹ năng vận động, kỹ năng tương tác. 
Giải quyết vấn đề có một vai trò quan trọng trong việc học thực hành. người học sử dụng các nguồn thông tin, các phương tiện, thiết bị thực hành, các khái niệm và các nhận định khái quát trong tiến trình tìm ra phương án cho vấn đề nghiên cứu, đi đến quyết định phương án thực hiện. Quá trình thực hiện chú trọng rèn luyện hai kỹ năng cho người học là: 
+ Kỹ năng ra quyết định bao gồm: kỹ năng nhận diện và phát biểu vấn đề cần nghiên cứu thực hiện; kỹ năng đề xuất phương án thực hiện; kỹ năng dự đoán những diễn biến có thể xảy ra ở mỗi phương án; kỹ năng lên kế hoạch thực hiện phương án.
+ Kỹ năng tư duy: kỹ năng giới thiệu vấn đề, phân tích và đặt câu hỏi; kỹ năng phân tích nhận diện nội dung cơ bản, các mâu thuẫn, tổng hợp đề xuất phương án thực hiện; kỹ năng diễn giải, phân tích dữ kiện, phát triển khái niệm, hình dung ra kết quả; kỹ năng đánh giá kế hoạch (phản biện/phê phán), xác định ưu tiên thực hiện và xem xét các lý do hành động.
2. Mô hình cấu trúc của dạy học giải quyết vấn đề


(1) Xác định, nhận dạng vấn đề/tình huống
(2) Thu thập thông tin có liên quan đến vấn đề/tình huống đặt ra; xác định các phương án có thể thực hiện
(3) Phân tích, đánh giá từng phương án (tích cực, hạn chế, khả thi, hiệu quả,..); so sánh kết quả các phương án; quyết định phương án tối ưu nhất; xây dựng kế hoạch thực hiện phương án
(4) Thực hiện phương án đã lựa chọn
(5) Phân tích kết quả thực hiện phương án, rút kinh nghiệm cho việc giải quyết những vấn đề, tình huống khác.
Một số lưu ý:
- Các vấn đề/ tình huống đưa ra cần phù hợp với nội dung dạy học, phù hợp khả năng nhận thức của người học
- Vấn đề/ tình huống cần chứa đựng những thách đố hoặc mâu thuẫn cần giải quyết, gợi cho người học nhiều hướng suy nghĩ, phương án giải quyết.
- Cần sử dụng phối với với phương pháp dạy học nhóm và các kỹ thuật dạy học như động não, lược đồ tư duy,...
3. Ưu điểm
- Góp phần tích cực vào việc rèn luyện tư duy phê phán, tư duy sáng tạo cho người học. Trên cơ sở sử dụng vốn kiến thức và kinh nghiệm đã có người học sẽ xem xét, đánh giá, thấy được vấn đề cần giải quyết.
- Phát triển được khả năng tìm tòi, xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong khi phát hiện và giải quyết vấn đề, người học sẽ huy động được tri thức và khả năng cá nhân, khả năng hợp tác, trao đổi, thảo luận với bạn bè để tìm ra cách giải quyết vấn đề tốt nhất.
- Thông qua việc giải quyết vấn đề, người học được lĩnh hội tri thức, kĩ năng và phương pháp nhận thực ("giải quyết vấn đề" đã trở thành một mục đích dạy học, được cụ thể hóa thành một mục tiêu là phát triển năng lực giải quyết vấn đề, một năng lực có vị trí hàng đầu để con người thích ứng được với sự phát triển của xã hội)
4. Hạn chế
- Đòi hỏi người dạy phải đầu tư nhiều thời gian và công sức, phải có năng lực sư phạm tốt mới suy nghĩ để tạo ra được nhiều tình huống gợi vấn đề và hướng dẫn tìm tòi để phát hiện và giải quyết vấn đề.
- Việc tổ chức dạy học mất nhiều thời gian. Hơn nữa, theo Lecne: "Chỉ có một số tri thức và phương pháp hoạt động nhất định, được lựa chọn khéo léo và có cơ sở mới trở thành đối tượng của dạy học nêu vấn đề".
Tài liệu tham khảo:
1. NGUYỄN VĂN CƯỜNG - BERND MEIER, (2011), Một số vấn đề chung về đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông.
2. Modul số 18, (2013), Phương pháp dạy học tích cực; Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho GV khối THPT; Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD & ĐT.


Một số bài viết khác có thể bạn quan tâm
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
6. Quan điểm dạy học theo lý thuyết kiến tạo

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét