expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm

1. Xuất xứ dạy học lấy người học làm trung tâm
Thuật ngữ “dạy học lấy người học làm trung tâm” (dạy học tập trung vào người học) chỉ mới xuất hiện và được sử dụng phổ biến trong những năm gần đây. Theo K.Barry và King (1993), đặt cơ sở cho dạy học lấy người học làm trung tâm là những công trình của John Dewey (Experience and education, 1938) và Carl Rogers (Freedom to learn, 1986). Các tác giả này đề cao nhu cầu, lợi ích của người học, đề xuất việc để cho người học lựa chọn nội dung học tập, được tự lực tìm tòi nghiên cứu. Theo hướng đó, bên cạnh xu hướng truyền thống thiết kế chương trình dạy học lấy logic nội dung môn học và vai trò người dạy làm trung tâm đã xuất hiện xu hướng thiết kế chương trình học tập lấy nhu cầu, lợi ích của người học làm trung tâm.

Từ lĩnh vực dạy học, tư tưởng lấy người học làm trung tâm được mở rộng sang lĩnh vực giáo dục nói chung. Trong “thuật ngữ giáo dục người lớn” do Unesco xuất bản năm 1979 bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha đã dùng thuật ngữ “giáo dục căn cứ vào người học”, “giáo dục tập trung vào người học” với định nghĩa là “sự giáo dục mà nội dung quá trình học tập và giảng dạy được xác định bởi nhu cầu, mong muốn của người học và người học tham gia tích cực vào việc hình thành và kiểm soát, sự giáo dục này huy động những nguồn lực và kinh nghiệm của người học”.
R.C Sharma (1988) viết: “Trong phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, toàn bộ quá trình dạy học đều hướng vào nhu cầu, khả năng, lợi ích của người học. Mục đích là phát triển ở học sinh kĩ năng và năng lực độc lập học tập và giải quyết các vấn đề… Vai trò của giáo viên là tạo ra những tình huống để phát triển vấn đề, giúp học sinh nhận biết vấn đề, lập giả thuyết, làm sáng tỏ và thử nghiệm các giả thuyết, rút ra kết luận”
R.R.Singh (1991) cho rằng tư tưởng dạy học lấy người học làm trung tâm đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người học, hoạt động học. Người học được đặt ở vị trí trung tâm của hệ giáo dục, vừa là mục đích lại vừa là chủ thể của quá trình học tập. Vì nhấn mạnh điều này, tác giả đề nghị thay thuật ngữ “quá trình dạy học lấy người học làm trung tâm”, “quá trình học tập do người học điều khiển”. Tác giả đã viết: “Làm thế nào để cá thể hóa quá trình học tập để cho tiềm năng của mỗi cá nhân được phát triển đầy đủ đang là một thách thức chủ yếu đối với giáo dục”.

Ở Việt Nam hiện nay, dạy học lấy người học làm trung tâm chưa phải là đã được mọi người chấp nhận và được quan niệm một cách thống nhất. Có người phản đối vì cho rằng cách dịch thuật ngữ này sang tiếng Việt không thành công, có thể gây ra sự hiểu lầm. Có người cho rằng lấy người học làm trung tâm là một lý thuyết giáo dục đã lỗi thời, thậm chí đã bị bác bỏ tại chính nơi sản sinh ra nó,…

2. Khái niệm, bản chất
Trước hết cần phải nhận thức trong ba thành tố cơ bản của hoạt động dạy học là người dạy - người học - môi trường (điều kiện dạy học) có mối quan hệ biện chứng, tương tác với nhau, tạo nên thế kiềng 3 chân vững chắc. Vì thế, không thể coi thành tố nào là chính, thành tố nào là phụ, bởi chúng phải cùng tồn tại gắn bó mật thiết, tác động tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Quan niệm dạy học lấy người học làm trung tâm là một tư tưởng, một quan điểm dạy học chi phối cả mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và đánh giá hiệu quả dạy học. Việc xác định người học làm trung tâm ở đây phải được hiểu là dạy học hướng vào người học, tập trung mọi điều kiện tốt nhất cho người học được học, phát triển. Do vậy, mọi nỗ lực của người dạy là vì người học, cho người học, việc chuyển bị điều kiện dạy học (môi trường) tốt nhất cũng cho người học có điều kiện nhận thức tốt nhất có thể.
Quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm không những không hạ thấp vai trò của người dạy mà trái lại đòi hỏi người dạy phải có trình độ cao hơn nhiều về phẩm chất và năng lực nghề nghiệp. S.Rassekh (1987) viết: “Với sự tham gia tích cực của người học vào quá trình học tập tự lực, với sự đề cao trí sáng tạo của mỗi người học thì sẽ khó mà duy trì mối quan hệ đơn phương và độc đoán giữa thầy và trò. Quyền lực của giáo viên không còn dựa trên sự thụ động và dốt nát của học sinh mà dựa trên năng lực của giáo viên góp phần vào sự phát triển tột đỉnh của các em… Một giáo viên sáng tạo là một người biết giúp đỡ học sinh tiến bộ nhanh chóng trên con đường tự học. Giáo viên phải là người hướng dẫn, người cố vấn hơn là chỉ đóng vai trò công cụ truyền đạt tri thức”.

Hình thức dạy học giúp cho người học chủ động chiếm lĩnh tri thức, phát triển tư duy nhận thức cho người học, phát huy mạnh mẽ tính tích cực trong học tập. Để việc dạy học lấy người học làm trung tâm này thật sự phát huy tác dụng khi có những điều kiện giáo dục nhất định như: ý thức tự giác học tập của học sinh cao, cơ sở vật chất phục vụ dạy học đầy đủ và phù hợp, giáo viên có năng lực khơi gợi tạo tình huống, môi trường giáo dục xã hội thuận lợi, nguồn tài liệu,...

Dạy học lấy người học làm trung tâm có nghĩa là việc học hoàn toàn do người học quyết định và người học có thể đưa ra sự chọn lựa về việc học cái gì, học như thế nào và học khi nào ngay từ lúc họ bắt đầu sắp xếp việc học của mình có sự hỗ trợ, hướng dẫn của người dạy.

3. Mô hình cấu trúc dạy học lấy người học làm trung tâm
Theo tác giả Lê Khánh Bằng về dạy học “lấy người học làm trung tâm trên hai phương diện vĩ mô và vi mô, ở đây người dạy phải tính đến nhu cầu, nguyện vọng của người học, đến những đặc điểm tâm sinh lý và cấu trúc tư duy của từng người học”.
(i) Trên phương diện vĩ mô: Trong quá trình dạy học lấy người học làm trung tâm, cần phải chú ý đến những yêu cầu của xã hội được phản ánh vào mong muốn của người học và đáp ứng được những yêu cầu đó. Người học là nhân vật trung tâm, người dạy là nhân vật quyết định chất lượng. Một cách khái quát, người dạy đại diện cho nhà trường, đại diện cho hệ thống giáo dục. Mối quan hệ giữa nhà trường với người học thực chất là quan hệ của nhà trường và yêu cầu của xã hội.

Dạy học lấy người học làm trung tâm về mặt vĩ mô phải thỏa mãn hai yêu cầu cơ bản là:
- Thứ nhất là sản phẩm hệ thống giáo dục quốc dân và nhà truờng đào tạo ra đáp ứng đầy đủ và kịp thời các yêu cầu của nền kinh tế xã hội. 
- Thứ hai là chú ý đầy đủ lợi ích của người học, tức là quan tâm đến các đặc điểm tâm sinh lí và các điều kiện kinh tế xã hội của người học, tạo cho người học có niềm vui và hạnh phúc trong học tập.
Hai yêu cầu này đôi khi mâu thuẫn với nhau. Vì vậy, khi mâu thuẫn này nảy sinh, cần có các cách giải quyết phù hợp.
(ii) Trên phương diện vi mô: Trong quá trình dạy học, việc lấy học sinh làm trung tâm gồm 4 điểm cơ bản sau: 
- Việc dạy học phải xuất phát từ đầu vào (người học), tức là từ nhu cầu, động cơ, đặc điểm và điều kiện của người học. Ở đây, cần thấy người học như đang tồn tại, với những ưu điểm và nhược điểm, những điều chưa biết và đã biết. Phải tiến hành việc học tập trên cơ sở hiểu biết năng lực đã có của họ.
- Cần đòi hỏi người học tham gia tích cực vào quá trình học tập, không tiếp thu một cách thụ động. Người học cần tích cực suy nghĩ, tích cực hoạt động.
- Thực hiện phân hóa, chú ý đến tư duy của từng người học, không gò bó theo cách suy nghĩ đã định trước của người dạy.
- Động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để người học tự kiểm tra, tự đánh giá quá trình học tập của mình tiến tới tự đào tạo và giải quyết các vấn đề lí luận và thực tiễn một cách độc lập, sáng tạo.
Trong hoạt động dạy học lấy người học làm trung tâm, người dạy đóng vai trò rất quan trọng. Muốn thực hiện dạy học lấy người học làm trung tâm, người dạy vừa phải chú ý đến người học, vừa phải chú ý đến điều phải học. Người dạy là người hướng dẫn, vì vậy phải không ngừng vươn lên học tập suốt đời để làm gương tốt cho người học. Người dạy phải là người có khả năng tổ chức, điều khiển mọi hoạt động của người học, giúp người học học tập tốt. R.R.Singh đã viết: “Trong dạy học lấy người học làm trung tâm, người dạy không chỉ là người truyền thụ những kiến thức riêng rẽ. Người dạy giúp cho người học thường xuyên tiếp xúc với những lĩnh vực học tập ngày càng rộng lớn hơn. Người dạy đồng thời là người hướng dẫn, người cố vấn, người mẫu mực cho người học. người dạy không phải là chuyên gia ngành hẹp, mà là một cán bộ tri thức, là người học hỏi suốt đời. Trong việc thực hiện quá trình dạy học, người dạy và người học cùng nhau tìm tòi khám phá”.
4. Đặc trưng của dạy học lấy người học làm trung tâm 
Bốn đặc trưng cơ bản của dạy học lấy người học làm trung tâm là:
- Người học - chủ thể của hoạt động học, tự mình tìm ra kiến thức cùng với cách tìm ra kiến thức bằng hành động của chính mình.
- Người học tự thể hiện mình và hợp tác với các bạn, học bạn.
- Người dạy là thầy học - chuyên gia về học và tự học, là người tổ chức và hướng dẫn quá trình dạy - tự học, quá trình kết hợp cá nhân hoá với xã hội hoá việc học của người học.
- Người học tự kiểm tra, tự đánh giá, tự điều chỉnh hoạt động nhận thức.
5. Những nguyên tắc dạy học lấy người học làm trung tâm
- Người học phải có trách nhiệm hoàn toàn về việc học của họ.
- Sự tham gia tích cực của người học vào quá trình học là vô cùng cần thiết.
- Quan hệ giữa người dạy và người học phải bình đẳng với nhau.
- Người dạy là người gỡ khó và cung cấp thông tin cho người học.
- Khai thác hiệu quả kiến thức và kinh nghiệm của người học
- Người học thành công là người có thể diễn đạt tri thức đã học một cách có ý nghĩa và chặt chẽ; có thể liên kết cái mới biết với cái đã biết một cách có ý nghĩa; có thể tạo ra hoặc sử dụng những phương pháp khác nhau để đạt đến mục tiêu học tập
- Hoạt động học tập chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường chẳng hạn như văn hoá, trình độ công nghệ và phương pháp giảng dạy.
- Học được những gì và bao nhiêu phụ thuộc vào động cơ học tập của người học. Động cơ này phụ thuộc vào trạng thái tình cảm, sở thích và mục đích học tập, và thói quen suy nghĩ của người học.
- Học tập là một hoạt động chịu sự chi phối bởi quan hệ xã hội, bởi sự giao tiếp với những người khác.
- Đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp để đánh giá người học và quá trình học của họ là điều không thể thiếu trong hoạt động dạy học.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Khánh Bằng (2002), Phương pháp dạy học Đại học, Đại học Sư phạm Hà Nội
2. Trần Bá Hoành, (2003), Tạp chí Thông tin khoa học giáo dục, số 96/2003
3. Kevin Barry, LenKing - Beginning teaching. Australia, 1993.
4. S.Rassekh, G.Vaideneau - Les contenus de I'éducation - Perspectives mondiales d'ici a I'an 2000. UNESSCO, Paris, 1987.
5. Raja Roy Singh - Education for the twenty first century - Asia - Pacific perspectives. UNESSCO, Bangkok, 1991.
6. R.C Sharma - Population, resources, environment and qualtiy of life. New Dehlt, 1988.
7. Jerome Bruner - Relevance of education. New York, 1971.
8. Yves Nazé - Guide du systéme Éducatif. Hachetle, Paris, 1993.




Một số bài viết khác có thể bạn quan tâm
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
6. Quan điểm dạy học theo lý thuyết kiến tạo


-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét