Trong hoạt động dạy học khi có một mối tương tác sẽ kéo theo xuất hiện các mối tương tác khác cùng tham gia, chúng sẽ có sự ảnh hưởng, chi phối cho nhau. Sau đây sẽ xem xét cụ thể từng mối tương tác cơ bản nhất trong từng thời điểm nhất định của quá trình dạy học thực hành kỹ thuật.
a) Người dạy ⇆ người học: đây là mối tương tác phổ biến nhất vốn luôn tồn tại trong quá trình dạy học, nó cần có tính chất hợp tác làm căn bản. Lothar Klinberg mô tả đây là mối quan hệ cơ bản thứ nhất của quá trình dạy học và coi sự thống nhất giữa vai trò lãnh đạo của người dạy và tính tự chủ của người học là một nguyên tắc dạy học [59]. Sự hợp tác thầy - trò là môi trường mạnh mẽ giúp người học huy động tốt nhất kinh nghiệm vốn có vào giải quyết các nhiệm vụ học tập. Tác động của người dạy đến người học bằng cách để việc dạy được người học hưởng ứng, ủng hộ, và chính nó có tác dụng tổ chức, động viên, hướng dẫn việc học. Như vậy người dạy tác động, người học phản ứng có phản hồi và ngược lại người học phản hồi thì người dạy có điều chỉnh, quyết định tác động mới, trong MTDH mà cả hai đang bị ảnh hưởng, thích nghi, tương tác đó kéo theo cả người dạy, người học sẽ tác động làm thay đổi MTDH theo hướng tích cực. Tùy theo phương pháp dạy và học khác nhau thì tính chất tương tác người dạy - người học cũng khác nhau. Trong môi trường dạy học tương tác thì người dạy đóng vai trò người điều khiển, tổ chức, tư vấn, giúp đỡ nhiều hơn là vai trò thông báo tri thức và điều khiển quá trình dạy học một cách áp đặt.
b) Người học ⇆ bạn học: với mối tương tác này mang tính hợp tác, trong dạy học truyền thống và nhất là dạy học lý thuyết ít có điều kiện xảy ra. Để cho tương tác này xuất hiện, người dạy cần tạo MTDH thích ứng giúp tương tác xuất hiện, khuyến khích tương tác phát triển thông qua việc cho phép người học trao đổi, phối hợp cả thao tác thể chất, tranh luận xung quanh vấn đề đang học tập, tình huống, câu hỏi,... mà người dạy đưa ra hoặc do nảy sinh trong học tập. Đặc biệt trong dạy học THKT được tổ chức học tập theo cặp, nhóm sẽ giúp người học tương tác mạnh trong nhóm, mà vẫn có sự định hướng, hỗ trợ của người dạy trong MTDH xác lập. Việc thay đổi các cách phân nhóm theo các nguyên tắc khác nhau cũng là cách làm đa dạng hoá hoạt động tương tác trong nhóm. Các kĩ thuật làm việc nhóm cần được rèn luyện cho người học.
c) Người học ⇆ bản thân người học: tương tác này không thể quan sát trực tiếp, bởi nó diễn ra bên trong trí não người học [48]. Tương tác này xuất hiện khi người học thực sự tích cực và nó làm nảy sinh, xuất hiện các mối tương tác khác. Khái niệm “tương tác” giữa người học với bản thân người học chỉ là một cách sử dụng thuật ngữ. Thực chất đây là quá trình tự kiến tạo, diễn ra bên trong của người học, là quá trình tự xử lý những thông tin tiếp thu được từ môi trường bên ngoài và kết nối vào vốn tri thức đã có của người học, tự điều chỉnh nội tâm. Quá trình này mang tính cá nhân, phụ thuộc vào những đặc điểm tâm lý cá nhân người học như động cơ, ý chí, tri thức, kinh nghiệm,... từ đó xuất hiện nhu cầu tham gia vào các mối tương tác khác. Các chiến lược học tập cá nhân có vai trò quan trọng trong việc học tập mang tính cá nhân.
d) Người học ⇆ MTDH: vai trò của môi trường thực hành thực sự quan trọng, quyết định đến chất lượng học tập của người học. MTDH làm cho người học phải thay đổi để hòa nhịp và thích nghi, nó tác động trực tiếp đến người học qua tất cả các giác quan dưới rất nhiều hình thức (bầu không khí học, các tình huống dạy học, trang thiết bị dạy học, tư liệu...). Trong dạy học THKT nếu MTDH không có các thiết bị dạy học thì không thể tiến hành hoạt động dạy - học. Các thiết bị kỹ thuật hiện đại, máy móc, phần mềm chương trình không những có tác động lớn đến người học mà còn như là những người thầy vô hình ẩn trong đó. Ngày nay do khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển mạnh nên đã xuất hiện các loại hình thiết bị dạy học tương tác rất đa dạng, phong phú có khả năng tương tác mạnh với người học. Việc tác động của người học làm thay đổi MTDH là do các tình huống học tập, động cơ ham muốn chinh phục, khám phá,...
e) Người dạy ⇆ MTDH: MTDH thực hành ảnh hưởng lớn tới phương pháp học của người học và phương pháp dạy của người dạy. Người dạy là người thiết kế, tổ chức và điều khiển MTDH. Môi trường DHTH có tổ chức phải hướng đến chức năng kích thích, thúc đẩy quá trình thực hành. Người dạy cần chọn lọc những ảnh hưởng có lợi hoặc điều chỉnh các ảnh hưởng bất lợi, phân tích các yếu tố ảnh hưởng, các đặc điểm của người học để thiết kế và tổ chức MTDH phù hợp với mục tiêu và điều kiện dạy học, phát huy những tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguồn: Trích Luận án Tiến sĩ Khoa học Giáo dục - kỹ thuật, Nguyễn Cẩm Thanh (2015), Dạy học thực hành kỹ thuật theo tiếp cận tương tác.
Một số bài viết khác có thể bạn quan tâm
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
6. Quan điểm dạy học theo lý thuyết kiến tạo
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét