expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Nghiên cứu về dạy học tương tác trên thế giới



Dạy học tương tác (DHTT) trên thế giới từ xưa tới nay đã được nghiên cứu, đề cập ở các góc độ, mức độ như sau:

- Mấy ngàn năm trước Khổng Tử (551- 479 trước công nguyên) cũng đã áp dụng tư tưởng "tương tác" trong quá trình dạy học. Theo tư tưởng của Khổng Tử việc dạy học đòi hỏi ở người học phải tích cực, chủ động, vai trò người dạy là điều khiển có định hướng. Trong quá trình dạy học mong muốn ở người học có được tương tác với người dạy, bản thân người học có tương tác với nhau. Tuy vậy, tư tưởng đó mới chỉ được thể hiện ở các câu nói mang tính triết học, để hiểu và vận dụng được vào thực tiễn dạy học cho giáo viên ngày nay là điều không dễ. [24], [25], [50].

- Tác giả John Dewey (1859-1952) [53] quan niệm con người được hình thành và phát triển dưới sự tác động của nó với môi trường tự nhiên và xã hội, trong những điều kiện, tình huống xã hội cụ thể. Nếu thiếu một trong hai yếu tố, con người hoặc xã hội thì khó có thể xem xét những vấn đề giáo dục một cách đúng đắn. Luận điểm quan trọng của tác giả, là sự ảnh hưởng của các “tương tác xã hội” trong dạy học làm tiền đề cho chiến lược dạy học “nhà trường hoạt động” - “dạy học qua việc làm”. Với triết lí giáo dục đó đã được ứng dụng rộng ở Hoa Kỳ, hình thành một phong trào giáo dục hiện đại ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Âu và châu Mỹ.

- Mead (1863 - 1931) [57] đưa những lý thuyết có tính chất đột phá của mình về ý thức, tính tự kỷ và hành vi vào chung một giáo trình tâm lý học xã hội mà tác giả dùng để dạy tại Đại học Chicago - Hoa Kỳ. Lý thuyết của tác giả đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều SV. Một trong những SV xuất sắc là Herbert Blumer, đã trở thành nhà xã hội học kiệt xuất, là người đấu tranh cho những công lao và tính khả dụng các lý thuyết của Mead đối với phân tích xã hội học. Vào cuối những năm 1960 Blumer tập hợp một số bài viết riêng của mình (sử dụng và bàn rộng thêm những ý niệm của Mead) thành cuốn sách có nhan đề Symbolic Interactionism/ Thuyết tương tác biểu trưng (1969).
- Nhà Tâm lý học người Nga L.X.Vưgotsky (1896-1934) [30] cho rằng sự phát triển nhận thức tốt nhất của người học khi vượt qua “vùng phát triển gần”. Dạy học chính là sự hợp tác, tương tác, từ đó hình thành cơ chế học kết hợp giữa học cá nhân và học hợp tác. Dạy học tương tác phát triển của Ông đã mở ra một trào lưu dạy học tích cực có tác động mạnh đến giáo dục hiện đại.
- Theo kết quả nghiên cứu của Brousseau (G) và các cộng sự thuộc Viện Đại học Đào tạo Giáo viên (IUFM) ở Greonoble - Pháp (ở thập niên 70 của thế kỷ XX) [9, tr.9-10]. Xác định cơ sở khoa học cho tác động sư phạm, kích thích hoạt động học cho người học mà vai trò người dạy lại rất quan trọng với tư cách là người phát động, khởi xướng và là người kết thúc một tình huống dạy học. Cấu trúc hoạt động dạy học gồm 4 nhân tố: người học, người dạy, kiến thức, MTDH. Đưa ra các phương tiện, công cụ để kích thích hứng thú và xây dựng các tình huống dạy học, đặc biệt cách thức gia tăng sự tương tác, hợp tác dạy - học - môi trường. 
- Xem xét mối quan hệ giữa học và dạy trong quá trình dạy học, Jean Vial [52] đã cho rằng tế bào của quá trình dạy học là sự tác động qua lại giữa người học và người dạy với đối tượng mà người dạy cần nắm vững để dạy còn người học cần nắm vững để học. Do đó xuất hiện tam giác thể hiện mối quan hệ giữa người dạy, người học và đối tượng dạy học. Jean Vial đã đặt ngũ giác sư phạm trong môi trường (sơ đồ 1.1).
Sơ đồ 1.1: Ngũ giác sư phạm trong dạy học
- Tác giả Wagner E.D. (1994) [58, tr. 6-29] cho rằng yếu tố nảy sinh tương tác trong dạy học là tình huống, để tạo dựng cho người học các nhiệm vụ học tập. Nhiệm vụ của người học đối với môi trường dạy học là học tập. Các tương tác nhắm đến là tập trung vào quá trình kích thích, điều chỉnh, duy trì các tác động và phản hồi một cách liên tục của người học, điều chỉnh hành vi của người học thông qua các phản hồi, nhằm đạt mục tiêu học tập.
- Các tác giả Comiti, Artigue,... đề cập đến hoạt động sư phạm được đặt lên trên hết, nhưng vẫn thể hiện rõ vai trò định hướng của người dạy trong mối quan hệ qua lại giữa bốn yếu tố cơ bản của quá trình dạy học gồm: người học, người dạy, nội dung học tập, môi trường dạy học [11, tr.29].
- Các tác giả Moonis Raza, Chandra, Prakash Chander, Onkar Singh: “Trong giáo dục, sự tương tác bao hàm một cách có ý thức sự hợp tác cùng tìm kiếm câu trả lời hay giải pháp. Sự phản ứng, do đó là bột phát và giới hạn trong cá nhân và ý thức riêng lẻ trong khi tương tác là hoạt động nhóm bao gồm các thành viên cùng tham gia tìm kiếm mục tiêu vươn tới” [42, tr.16].
- Tác giả Thurmond (2004) [66] đã chỉ ra 4 dạng tương tác trong dạy học gồm: người học với nội dung học tập, người học với người học, người học với người dạy, người học với phương tiện, thiết bị dạy học. Sự học chính là sự trao đổi thông tin giữa người học với người học, với người dạy nhằm mở rộng sự phát triển tri thức trong môi trường học tập.
- Sư phạm tương tác theo quan điểm của hai nhà sư phạm Jean Marc Dnommé, Madeleine Roy người Canađa [39], [40] đòi hỏi giáo viên cần phải có hiểu biết về hệ thần kinh của người học, tính năng động của nó để phối hợp tốt hơn các liên hệ qua lại giữa người học, người dạy và môi trường trong việc lĩnh hội kiến thức mới.
- Trong công trình nghiên cứu của Diallo Sessoms (2008) [56] cho rằng dạy học tương tác là sự kết hợp của việc dạy và học tương tác được hỗ trợ bởi các thiết bị công nghệ. Trong triển khai dạy học được kết hợp vận dụng lý thuyết kiến tạo kết hợp với việc sử dụng màn chiếu tương tác và công cụ Web2.0. Việc kết hợp các công cụ tạo ra một môi trường tương tác, cho phép người dạy có cơ hội để dạy trong một môi trường dạy học tương tác.
- Tư tưởng lý thuyết kiến tạo có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới việc nghiên cứu dạy học theo TCTT cũng như môi trường dạy học. Trong cuốn sách "Lý luận dạy học kiến tạo - Dạy và học từ góc nhìn tương tác“ Kersten Reich [61, tr.160, 205] đã phân tích bản chất của việc học tập theo lý thuyết kiến tạo, trong đó nhấn mạnh quá trình học tập là quá trình kiến tạo, đồng thời là quá trình sáng tạo, mang tính tình huống, tính xã hội, tính cá nhân và là quá trình cảm xúc. Kesten Reich cũng phân tích đặc điểm tương tác người dạy và người học, trong đó người dạy là người tổ chức, điều phối hoạt động kiến tạo tri thức và hành động của người học.
- Tác giả Bernd Meier và Nguyễn Văn Cường [4, tr.18] trình bày tổng quan mối quan hệ giữa các yếu tố của quá trình dạy học trong một “khung lý luận dạy học” (sơ đồ 1.2). Trong đó các mối tương tác giữa bộ ba người dạy, người học, đối tượng học tập được đặt trong một “tam giác dạy học” là các tương tác cốt lõi. Các mối tương tác này được thực hiện thông qua yếu tố về mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức, nhiệm vụ, đánh giá, tại địa điểm, thời gian xác định.
Do tính phức hợp của quá trình dạy học nên có rất nhiều lý thuyết học tập hay các mô hình lý luận dạy học khác nhau nhằm giải thích và tối ưu hóa quá trình dạy học. Tuy nhiên mỗi lý thuyết / mô hình đều có những phạm vi ứng dụng xác định, không có mô hình lý thuyết dạy học vạn năng có thể sử dụng tối ưu cho mọi quá trình dạy học.
Sơ đồ 1.2: Khung lý luận dạy học


- Môi trường học tập tương tác được đặc biệt quan tâm trong dạy học E-learning, dạy học với đa phương tiện. Trong đó các môi trường E-Learming cũng như các phần mềm dạy học được yêu cầu tạo điều kiện tương tác đa dạng giữa người học và môi trường dạy học. Hệ thống bảng tương tác (interaktive Whiteboard), các phần mềm dạy học có chức năng tương tác (như Moodle). Daniel Staemmler trong tài liệu “Các kiểu học tập và các chương trình dạy học tương tác” đã phân tích các loại tương tác, khả năng áp dụng trong các môi trường E-Learning, MTDH ảo [63]. 

- Xu hướng quốc tế phổ biến trong cải cách giáo dục hiện nay là giáo dục định hướng năng lực. Trong tác phẩm "Tổ chức môi trường học tập thành công“ Diethelm Wahl đã đề cập đến một "môi trường học tập mới cho con đường chuyển từ tri thức sang năng lực hành động". Theo đó, MTDH cần góp phần phát triển ở người học khả năng độc lập, khả năng giao tiếp, khả năng hành động và khả năng đánh giá ở mức cao hơn. Những yêu cầu đó đòi hỏi sự thay đổi về cơ bản tính chất các mối tương tác trong dạy học theo hướng tăng cường tính tích cực, tự lực của người học [64, tr.39].

- Theo mô hình các năng lực then chốt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) [65], những năng lực then chốt cần phát triển ở người học bao gồm ba nhóm năng lực sau đây:

+ Sử dụng một cách tương tác các phương tiện thông tin và phương tiện làm việc (ví dụ phương tiện ngôn ngữ, phương tiện kĩ thuật)
+ Tương tác trong các nhóm xã hội không đồng nhất
+ Khả năng hành động tự chủ
Như vậy, tương tác không chỉ là phương thức mà còn là mục tiêu dạy học. Người học cần được hình thành năng lực tương tác thông qua việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ, thông tin, tri thức và công nghệ cũng như năng lực tương tác xã hội.

Nguồn: Trích Luận án Tiến sĩ Khoa học Giáo dục - kỹ thuật, Nguyễn Cẩm Thanh (2015), Dạy học thực hành kỹ thuật theo tiếp cận tương tác.



Một số bài viết khác có thể bạn quan tâm
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
6. Quan điểm dạy học theo lý thuyết kiến tạo

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét