Các nhà sư phạm Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp trong lĩnh vực phương pháp dạy học (PPDH). Việc thay đổi quan điểm dạy học từ thụ động sang chủ động của người học, từ việc nhìn nhận quá trình dạy học với người dạy là trung tâm sang phía người học là trung tâm. Các quan điểm về dạy học được phát triển như công nghệ dạy học, dạy học kiến tạo, dạy học theo lý thuyết nhận thức linh hoạt, dạy học theo dự án, dạy học bằng tình huống,... Tựu chung lại các quan điểm đều nhắm đến việc phát huy tính tích cực, tự lực, chủ động, sáng tạo của người học với việc định hướng, tổ chức, dẫn dắt của người dạy với người học. Dạy học tương tác đã có một số tác giả nghiên cứu như sau:
- Tác giả Trần Bá Hoành [12] là một trong những nhà nghiên cứu sâu sắc về dạy học tích cực. Ý tưởng dạy học tích cực, chính là tạo ra tác động qua lại giữa người dạy với người học. Xét về mặt bản chất chính là khai thác động lực học tập của người học để phát triển chính họ, coi trọng lợi ích nhu cầu cá nhân người học, đảm bảo cho người học thích ứng với đời sống xã hội.
- Tác giả Phan Trọng Ngọ [30] có quan điểm là: trong bất kỳ quá trình dạy học nào cũng tồn tại sự tương tác giữa ba yếu tố gồm: người dạy, người học và đối tượng học. Hoạt động dạy học tương tác được quy về các hoạt động định hướng, giúp đỡ, tổ chức, điều chỉnh và động viên các hoạt động của người học. Đối tượng học của người học là đối tượng làm việc của cả người dạy và người học. Sự tác động của đối tượng học với người học là trực tiếp, hai chiều, đây là tương tác đa phương.
- Các tác giả Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Kỳ, Lê Khánh Bằng, Vũ Văn Tảo [43], [44] Nguyễn Hữu Châu, Vũ Quốc Chung, Vũ Thị Sơn [5], [7] quan tâm đến ba khía cạnh của hoạt động dạy học là: kết quả cuối mà người học đạt được hay hành vi nhận thức, coi bộ não người học là hộp đen để xem xét, tìm hiểu những gì xảy ra trong đó, mong muốn ở người học tự tạo ra được khả năng xác định vấn đề cần giải quyết, lĩnh hội và xử lý thông tin bằng cách vận dụng các biện pháp để giải quyết vấn đề.
- Tác giả Thái Duy Tuyên [48] đã cụ thể hóa cho việc vận dụng vào dạy học, qua việc xác định các dạng bài học trong sư phạm tương tác, chỉ ra cụ thể các dạng tương tác trong dạy học là: tương tác thầy - trò, tương tác môi trường - trò, tương tác môi trường - thầy - trò.
- Tác giả Đặng Thành Hưng [14], [15], [16] đã xác định “các nguyên tắc chủ yếu của quá trình dạy học hiện đại bao gồm: nguyên tắc tương tác, nguyên tắc tham gia hoạt động học tập của người học, nguyên tắc tính vấn đề của dạy học” [14, tr 59]. Các triết lý dạy học hiện đại như triết lý hợp tác, triết lý hiện sinh, triết lý dạy học dựa vào vấn đề, triết lý kiến tạo,… [14, tr.36] được tác giả phân tích là tiền đề cần thiết để xây dựng cơ sở lý thuyết cho dạy học tương tác.
- Các tác giả Phó Đức Hòa, Ngô Quang Sơn [11] cho rằng các phương pháp dạy học tích cực được thực hiện có hiệu quả trong một môi trường của những thiết bị công nghệ, môi trường dạy học đa phương tiện. Các tác giả đã phân tích rõ yếu tố môi trường với quan niệm môi trường ở trạng thái động, luôn phát triển theo quy luật của quá trình dạy học.
- Luận án tiến sĩ Giáo dục học của các tác giả Nguyễn Thành Vinh [51], Nguyễn Thị Bích Hạnh [9], Vũ Lệ Hoa [10], Tạ Quang Tuấn [47], gần đây nhất là luận án của tác giả Phạm Quang Tiệp [42], cho rằng tổ chức dạy học là, thực hiện những tác động đặc thù, để vận hành mối quan hệ giữa các thành tố cơ bản của quá trình dạy học, từ đó tạo ra những tính chất mới cho những mối quan hệ người dạy, người học, môi trường dạy học (MTDH). Tuy các công trình có quan niệm dạy học tương tác được nghiên cứu, vận dụng ở những bình diện khác nhau với đối tượng người học khác nhau, nhưng đều khẳng định mức độ và giá trị của dạy học tương tác đem lại hiệu quả khả quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét