expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Khái niệm, bản chất tương tác và dạy học tương tác


Tương tác nếu là danh từ theo nghĩa tiếng Anh "interaction" được ghép từ "inter" nghĩa tiếng Việt "liên kết, kết hợp" và "action" nghĩa tiếng Việt "hoạt động, hành động", tương tự như vậy tương tác nếu là tính từ theo nghĩa tiếng Anh "interactive" được ghép từ "inter" và "active". Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, tương tác được giải nghĩa với hai trường hợp sau [35, tr.1044]:
(1). Tương tác (đg): là “tác động qua lại lẫn nhau”;
(2). Tương tác (t) (dùng trong thiết bị hay chương trình máy tính): là “có sự trao đổi thông tin qua lại liên tục giữa máy với người sử dụng”.
Theo nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan không tồn tại độc lập, riêng rẽ, mà giữa chúng có mối liên hệ qua lại, tác động, ảnh hưởng, thúc đẩy hoặc kìm hãm nhau phát triển [13, tr.209].
Tương tác trong dạy học nghĩa tiếng Anh là “interaction in teaching and learning”. Dạy học tương tác nghĩa tiếng Anh là “interactive teaching and learning”. Tác giả Thurmond cho rằng: “Những tương tác giữa người học ⇆ nội dung học tập, người học ⇆ bạn học, người học ⇆ người dạy và cả người dạy, người học ⇆ môi trường dạy học, sẽ tạo ra sự trao đổi lẫn nhau về thông tin. Qua đó mở rộng sự phát triển tri thức cho người học" [66; tr. 2].
Hai tác giả người Canada Jean Marc Dnommé và Madeleine Roy quan niệm, tương tác trong dạy học là sự tác động qua lại giữa các yếu tố trong cấu trúc của hoạt động dạy học, bao gồm: người học, người dạy và MTDH. Hai tác giả cũng đã xác định tính tích cực thuộc về người học. Do đó cần tạo cho người học bộ ba hứng thú - tham gia - trách nhiệm, thông qua biện pháp tác động vào hệ thần kinh của người học [39], [40].
Quá trình dạy học gồm nhiều yếu tố như: người dạy, người học, môi trường dạy học, nội dung, phương pháp, phương tiện, kiểm tra đánh giá,... Khi nghiên cứu về dạy học tương tác hầu hết các tác giả chủ yếu quan tâm và đề cập đến ba yếu tố cơ bản là người dạy, người học, MTDH.
Trong lý luận và thực tiễn dạy học hiện nay, khái niệm dạy học tương tác được đề cập với những cách hiểu khác nhau. Có quan niệm dạy học tương tác là dạy học dựa trên cơ sở tương tác xã hội trong dạy học, đặc biệt là tương tác giữa người học với người học trong quá trình học tập. Quan niệm này phổ biến trong dạy học ngoại ngữ. Người ta xây dựng các mô hình tương tác xã hội nhằm tăng cường năng lực giao tiếp ngôn ngữ cho người học. Vì vậy quan niệm này đồng nghĩa với quan niệm dạy học giao tiếp.
Mặt khác, có quan niệm dạy học tương tác nhấn mạnh việc sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại có chức năng tương tác. Theo quan niệm này, chẳng hạn một giờ học có sử dụng bảng tương tác (bảng thông minh) cũng được gọi là giờ học tương tác. Tuy nhiên, giờ học này có thể vẫn chỉ mang tính thông báo, tương tác một chiều, nếu giáo viên chỉ sử dụng bảng tương tác như một công cụ để truyền thụ thi thức, người học vẫn tiếp thu thụ động.
Cả hai cách tiếp cận trên đều là các tiếp cận hẹp về dạy học tương tác.
Tác giả Jean Marc Dnommé, Madeleine Roy cố gắng xây lý thuyết khái quát về sư phạm tương tác như một mô hình lý thuyết dạy học mới. Tuy nhiên từ những nghiên cứu lý thuyết này tới việc vận dụng trong dạy học cần những định hướng cụ thể hơn.
Theo tác giả dạy học tương tác được xem xét như một mô hình dạy học, không phải một phương pháp dạy học cụ thể, cũng không phải một lý thuyết dạy học tổng quát cho mọi quá trình dạy học. Một quá trình dạy học được gọi là dạy học tương tác, khi thông qua các hoạt động tương tác đa dạng trong MTDH phù hợp, nhiều tiềm năng để người học lĩnh hội tri thức với mức độ tích cực và tự lực cao. Kết quả học tập cuối cùng của người học phụ thuộc vào sự kiến tạo tri thức mang tính cá nhân của người học. Về bản chất, mô hình dạy học tương tác là dạy học mang tính kiến tạo.
Trong mọi quá trình dạy học nói chung đều diễn ra các hoạt động tương tác, đó là tương tác trong dạy học. Tuy nhiên không phải mọi quá trình dạy học đều được gọi là dạy học tương tác. Trong mô hình dạy học lấy người dạy làm trung tâm, người dạy điều khiển và truyền thụ tri thức có tính áp đặt, người học tiếp thu tri thức một cách thụ động. Trong mô hình dạy học lấy người học làm trung tâm người dạy chủ yếu là người tư vấn giúp đỡ, người học có vai trò tích cực, chủ động. Dạy học tương tác được đề cập ở đây phù hợp với mô hình dạy học lấy người học làm trung tâm.
Học trong dạy học tương tác:
Quá trình học trong dạy học tương tác là quá trình tự lực kiến tạo của chủ thể nhận thức thông qua các hoạt động tương tác đa dạng, có thể gọi đây là quá trình kiến tạo tương tác.
Người học là trung tâm của quá trình dạy học. Thông qua hoạt động tự lực tương tác với đối tượng nhận thức, người học tự kiến tạo tri thức vào cấu trúc nhận thức bên trong của mình. Quá trình học tập không chỉ là quá trình khám phá mà còn là quá trình cấu trúc lại tri thức. Quá trình tự kiến tạo đồng thời cũng là quá trình kiến tạo lại và kiến tạo dỡ bỏ [61, tr.165]. Trong việc kiến tạo tri thức, người học không tiếp thu thụ động kiến thức từ môi trường bên ngoài. Những gì tiếp thu được từ môi trường bên ngoài được người học cấu trúc lại trên cơ cở tự tham chiếu, dựa vào những kinh nghiệm riêng của mình. Đồng thời trong quá trình tự kiến tạo thì những tri thức cũ không còn thích hợp với hiểu biết mới sẽ được sửa chữa, hoặc xóa bỏ để phù hợp với nhận thức mới từ môi trường. Đó cũng chính là quá trình đồng hóa và thích ứng trong hoạt động nhận thức của người học. Người học đồng hóa những thông tin nhận được từ môi trường bên ngoài cho phù hợp với cấu trúc nhận thức sẵn có của mình, đồng thời cũng thay đổi cấu trúc nhận thức hiện tại để thích ứng với môi trường.
Tri thức người học lĩnh hội chủ yếu không phải từ sự thông báo của người dạy mà do người học tự tương tác với đối tượng, nội dung học tập. Vì vậy cần có các "vật mang" chứa đựng nội dung học tập để người học có thể tương tác. Đó là các yếu tố thuộc môi trường dạy học như sách, tài liệu, phiếu làm việc, phương tiện dạy học, thiết bị, phương tiện thực hành, các nhiệm vụ học tập. Vì vậy người dạy là người tổ chức môi trường học tập tương tác và trợ giúp người học. Trong đó việc xây dựng nội dung, nhiệm vụ học tập cần phù hợp với trình độ hiện tại của người học, tức là nằm trong "vùng phát triển gần" của người học.
Quá trình tương tác của người học với môi trường không phải là sự thay thế cho tương tác với nội dung học tập mà là thông qua đó để tương tác với đối tượng, nội dung học tập. Các thiết bị công nghệ hiện đại có tính tương tác cao có khả năng hỗ trợ mạnh mẽ cho học tập tương tác. Trong đó người học có thể thực hiện các tương tác cá nhân với đối tượng học tập, đồng thời tương tác xã hội thông qua môi trường công nghệ, như môi trường đa phương tiện, môi trường E-Learning.
Quá trình học tập một mặt là quá trình tương tác chủ động của cá nhân người học với đối tượng nhận thức, môi trường học tập, mặt khác là quá trình học tập mang tính xã hội thông qua tương tác giữa các thành viên tham gia, đặc biệt là tương giữa người học trong nhóm nhỏ hay theo cặp. Thông qua cộng tác và trao đổi trong nhóm giúp người học thông hiểu tri thức và phát triển các năng lực tương tác xã hội trong nhóm. Hoạt động tự lực và hoạt động tương tác trong nhóm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học tập.
Thông qua tương tác trong quá trình học tập, người học không chỉ lĩnh hội tri thức mà còn phát triển cảm xúc, tình cảm, như sự say mê, hứng thú học tập, lòng yêu khoa học, ý chí học tập, thái độ, tình cảm xã hội. Như vậy quá trình học tập không chỉ là quá trình tiếp thu tri thức mà còn là quá trình cảm xúc, quá trình ý chí.
Nhận thức của con người hình thành trong các bối cảnh lịch sử xã hội xác định thông qua tương tác giữa cá nhân với các tình huống thực tiễn. Việc học tập gắn với các tình huống thực tiễn có ý nghĩa quan trọng trong dạy học tương tác.
Việc giải quyết một cách tự lực các vấn đề, các nhiệm vụ phức hợp thông qua các hoạt động tương tác đòi hỏi và hỗ trợ khả năng sáng tạo của người học trong việc tìm tòi các phương án giải quyết vấn đề, vận dụng tri thức, kỹ năng vào những tình huống thay đổi.
Tóm lại, quá trình học tập trong dạy học tương tác là quá trình người học tự lực kiến tạo tri thức, đồng thời là quá trình xã hội, quá trình xúc cảm, quá trình ý chí, mang tính tình huống và là quá trình sáng tạo. Dạy học tương tác góp phần tích cực vào việc phát triển năng lực hành động của người học.
Vai trò người dạy trong dạy học tương tác là người tổ chức MTDH, hướng dẫn và giúp đỡ người học trong quá trình tự lực kiến tạo tri thức
MTDH tương tác là môi trường được tổ chức phù hợp, hỗ trợ các hoạt động tương tác tích cực trong dạy học, nhất là thiết kế và xây dựng MTDH đa phương tiện, môi trường ảo, môi trường E-Learning.
Tương tác người học với đa phương tiện nghĩa là người học tương tác với thiết bị công nghệ có chứa đựng các phần mềm điều khiển được kết nối với các thiết bị công nghệ khác, chúng có khả năng xử lý và chuyển các thông tin để tác động ngược tới người học. Vậy, tương tác người học với đa phương tiện có tính tương tác đa chiều, nhưng ngược lại tương tác đa chiều thì không phải là tương tác đa phương tiện, bởi tương tác đa chiều nghĩa là người học cùng lúc có thể tác động và bị tác động với nhiều đối tượng khác nhau như với người dạy, bạn, tài liệu học tập,...
Có thể hiểu:
Dạy học tương tác là dạy học lấy người học làm trung tâm, trong đó diễn ra các hoạt động tương tác đa dạng ở môi trường dạy học được tổ chức phù hợp, đòi hỏi người học chủ động, tích cực và tự lực giải quyết vấn đề. Người dạy đóng vai trò là người tổ chức môi trường dạy học và hỗ trợ, tư vấn cho người học.
Như vậy, ở đây có sự phân biệt giữa khái niệm tương tác trong dạy học nói chung và dạy học tương tác. Dạy học tương tác đòi hỏi ở mức độ cao về sự tương tác đa dạng, tính tích cực, chủ động và tự lực giải quyết vấn đề của người học. Tuy nhiên, người học vẫn nhận được những định hướng, trợ giúp cần thiết về nội dung và phương pháp học tập.

Nguồn: Trích Luận án Tiến sĩ Khoa học Giáo dục - kỹ thuật, Nguyễn Cẩm Thanh (2015), Dạy học thực hành kỹ thuật theo tiếp cận tương tác.


Một số bài viết khác có thể bạn quan tâm
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
6. Quan điểm dạy học theo lý thuyết kiến tạo

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét