expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Môi trường dạy học tương tác

Trong nghiên cứu khoa học giáo dục, môi trường được sử dụng với nhiều cách gọi, như: môi trường sư phạm, môi trường giáo dục, môi trường học tập, môi trường lớp học... thể hiện mức độ, phạm vi, ý nghĩa khác nhau. Tựu chung lại các cách gọi có chung bản chất là phản ánh điều kiện tự nhiên, xã hội, vật chất giúp cho người học tồn tại, phát triển nhận thức theo hướng tích cực về các mặt thái độ, kỹ năng, tri thức. Trong khuôn khổ luận án, tác giả sử dụng khái niệm là môi trường dạy học.

Khái niệm môi trường dạy học còn được gọi là môi trường học tập (tiếng Anh: learning environment, tiếng Đức: Lernumgebung) nhằm nhấn mạnh hoạt động học, được đề cập đến nhiều trong thời gian gần đây và được hiểu rất khác nhau. Theo cách hiểu chung nhất, môi trường dạy học là toàn bộ những yếu tố bên ngoài người học có tác động tới quá trình học tập.

Quá trình dạy học trong nhà trường là quá trình có tổ chức, vì vậy môi trường dạy học cần là môi trường được thiết kế, tổ chức phù hợp để thực hiện các hoạt động dạy học, khuyến khích và thúc đẩy các quá trình học tập của chủ thể. Ở đây đề cập đến môi trường dạy học có tổ chức.

MTDH theo nghĩa hẹp chủ yếu đề cập đến các yếu tố điều kiện vật chất như trang thiết bị, tài liệu, phần mềm dạy học,... MTDH theo nghĩa rộng bao gồm cả yếu tố con người - xã hội, trong đó là người dạy và người học với các PPDH và các hình thức tương tác xã hội cũng như văn hóa ứng xử.

Werner Sache cho rằng: “Môi trường học tập là tập hợp những yếu tố vật chất, tài liệu và các yếu tố con người - xã hội xung quanh người học, có tiềm năng kích thích và khuyến khích quá trình học tập”. [62, tr. 175]
Quan niệm của Diethem Wahl về môi trường học tập là môi trường được tạo ra một cách có kế hoạch, bao gồm các thành phần lý luận và phương pháp dạy học, tài liệu và phương tiện dạy học. MTDH yêu cầu của việc học tập tích cực, tuy nhiên người học cũng nhận được những định hướng về nội dung và chiến lược học tập. [64, tr.34].
Bernd Meier và Nguyễn Văn Cường cho rằng môi trường học tập là môi trường có tổ chức, bao gồm những yếu tố có thể điều khiển, đó là người dạy, người học, nội dung học tập, phương tiện, nhiệm vụ/yêu cầu học tập. Môi trường tự nhiên, xã hội là môi trường bên ngoài, đó là những yếu tố điều kiện không trực tiếp điều khiển được. [4, tr.20]. Do vậy có thể hiểu:
Môi trường dạy học là tập hợp các yếu tố không gian, thời gian, phương tiện, nội dung, tài liệu, nhiệm vụ học tập cũng như những phương pháp và hình thức làm việc của người dạy và người học, được tổ chức một cách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ các quá trình học tập, nhằm đạt mục tiêu dạy học.
Các tài liệu lý luận dạy học ngày nay đề cập đến nhiều loại MTDH khác nhau, tuy nhiên chưa có hệ thống phân loại thống nhất. Theo đặc điểm, có các loại như môi trường thích ứng, môi trường đa phương tiện, môi trường ảo, môi trường E-Learning,... Theo phạm vi, có môi trường học tập cá nhân, môi trường học tập trong lớp học. Vậy có thể hiểu:
Môi trường dạy học tương tác là môi trường tạo điều kiện và hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động tương tác đa dạng, đặc biệt là tương tác giữa người học với các phương tiện, tài liệu, nhiệm vụ học tập và sự tương tác giữa người học với nhau trong quá trình học tập để lĩnh hội nội dung học tập với tính tích cực và tự lực cao.
Khái niệm môi trường “bên trong” hay “bên ngoài” chỉ mang tính tương đối. Khi lấy một lớp học làm tham chiếu thì môi trường lớp học là môi trường bên trong, môi trường nhà trường trở thành môi trường bên ngoài của lớp học. Thuật ngữ môi trường “bên trong” cũng phần nào mâu thuẫn với khái niệm môi trường với nghĩa là các yếu tố bên ngoài. Ở đây có thể hiểu đó là các yếu tố bên ngoài người học nhưng nằm bên trong phạm vi lớp học.
Jean - Marc Denomme, Madeleine Ray [39], [40] và một số tác giả đi xa hơn, phân biệt môi trường “bên trong” của bản thân người học và môi trường bên ngoài người học. Werner Sache phân biệt môi trường bên ngoài là tất cả những yếu tố thuộc môi trường xung quanh người học có thể quan sát được. Môi trường bên trong là sự phản ảnh môi trường bên ngoài vào cấu trúc nhận thức bên trong của chủ thể, phụ thuộc vào các yếu tố tâm lý chủ thể nhận thức như trí nhớ, kiến thức, kinh nghiệm,... Tuy nhiên môi trường “bên trong” người học thì không thể trực tiếp quan sát hay tạo ra mà chỉ có thể tác động thông qua các yếu tố môi trường bên ngoài người học [62, tr. 20, 175].

Nguồn: Trích Luận án Tiến sĩ Khoa học Giáo dục - kỹ thuật, Nguyễn Cẩm Thanh (2015), Dạy học thực hành kỹ thuật theo tiếp cận tương tác.


Một số bài viết khác có thể bạn quan tâm
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
6. Quan điểm dạy học theo lý thuyết kiến tạo

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét